Thực phẩm tươi sống bày bán lẫn lộn với thức ăn chín, không được che đậy, vệ sinh môi trường bừa bộn, ẩm ướt, nhiều ruồi, nhặng, hàng hoá chưa được kiểm soát tốt về nguồn gốc... là thực trạng diễn ra khá phổ biến ở các chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Khảo sát 1 trong 4 khu chợ tạm tại Phường Đại Yên, TP Hạ Long, chợ Bóp bán nhiều loại hải sản được bày trên nền đất, chỉ lót những tấm bat, ni-lông sơ sài.
Theo ghi nhận, nước thải ở các gian hàng đen ngòm và bốc mùi đổ trực tiếp xuống nền đường. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân xung quanh.
Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn không mấy quan tâm, bởi chợ cóc, chợ tạm thuận tiện cho việc mua bán. Khi được hỏi tại sao nhìn thấy mất an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường không đảm bảo những bà nội trợ cho rằng:Mua thực phẩm ở những khu chợ tạm, chợ cóc này thì tất nhiên không đảm bảo bằng chợ trung tâm được. Nhưng phải chấp nhận thôi tại cả phường không có chợ trung tâm nào, đi đến các phường khác thì xa, mà tôi lại không có nhiều thời gian.
Không chỉ riêng chợ Bóp nói trên mà hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn nhiều chợ tạm, chợ cóc không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm |
Càng đi sâu vào trong chợ, tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) càng đáng lo ngại, đặc biệt là khu vực bán thực phẩm tươi sống được bày bán ngay cạnh bãi rác. Hầu hết rác thải của cả khu chợ đều tập trung tại một góc chợ, với vô vàn vỏ hà, bao nilong, phế liệu chất thành từng đống đã được lưu lại từ nhiều ngày.
Một tiểu thương bày tỏ: “Chợ tạm dân tự tạo lên, tự dựng lên, ai muốn bán thì tự lợp lên để ngồi bán, rác ở chợ thì tự đốt nếu nhiều quá, còn vỏ hà cứ đổ ở chợ thôi. Dân thì cũng muốn là chợ đẹp, khang trang”.
Theo thống kê của Sở Công Thương, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn 27 chợ tạm/133 chợ (trong đó có 15 chợ cần nâng cấp cải tạo; 9 chợ cần di chuyển và có 3 chợ cần xoá bỏ). Ngoài ra, tại các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, điểm đông dân cư, khu công nghiệp... còn tồn tại rất nhiều điểm, tụ điểm bán hàng tự phát không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và mỹ quan đô thị.
Thực phẩm được bày bán ngay trên những tấm nilong trên nền đất bẩn, ẩm ướt |
Những tiểu thương ở đây sau khi làm cá xong thì phần lớn rác và nước thải đều đổ ngay tại đó |
Để khắc phục tình trạng mất an toàn thực phẩm tại các khu chợ tạm, chợ cóc, ngoài các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, có chế tài xử lý đối với các hộ kinh doanh thực phẩm thì mỗi người dân hãy lựa chọn và sử dụng sản phẩm tại những quầy bán thực phẩm uy tín an toàn, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh nhằm bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng./.