Dấu hiệu ngộ độc nitrit gồm: tím tái, buồn nôn, choáng, ói mửa, ngất, đau bụng co thắt, tim đập nhanh, nhịp thở bất bình thường, hôn mê, co giật và chết vì tuần hoàn máu bị suy sụp. Nếu nướng, rán ở nhiệt độ cao thì chất này sẽ bị biến đổi chất thành dạng nitri độc hại và là tác nhân gây ra bệnh ung thư.
Vụ việc phát hiện xúc xích Viet Foods chứa chất cấm gây ung thư chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trước thực trạng nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng dụng chất bảo quản và phụ gia thực phẩm cho sản phẩm.
Doanh nghiệp “chối tội”?
Thông tin lực lượng quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và phát hiện xúc xích Viet Foods chứa chất cấm gây ung thư Sodium nitrate 251 (E251) đã khiến hàng triệu người Việt hoang mang, sợ hãi.
Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm khẳng định, E251 được sử dụng chủ yếu trong xúc xích để đảm bảo màu tươi đỏ cho xúc xích, đồng thời có chức năng bảo quản lâu hơn. Danh mục của Bộ Y tế vẫn được phép sử dụng E251 trong bảo quản thực phẩm. Bản thân E251 không phải là chất được liệt vào trong các chất gây ung thư. Tuy nhiên, E251 rất dễ bị chuyển sang Nitrit độc hại. Khi chế biến ở nhiệt độ cao như rán, nướng, sản phẩm chứa chất E251được chuyển hóa vào cơ thể thì có thể bị biến đổi chất, tạo ra nitrosamine - một chất đặc biệt nguy hiểm có thể gây thương tổn DNA và tăng sự thoái hóa tế bào, gây bệnh ung thư ở người.
Trong khi đó, trả lời báo chí về sản phẩm xúc xích Viet Foods gây ung thư, ông Lưu Minh Sang - chủ nhãn hàng Viet Foods cho biết: “Cơ sở chúng tôi hoàn toàn không sử dụng chất cấm Sodium Nitrate - E251. Sau khi có quy định của Bộ Y tế về các chất phụ gia không được sử dụng trong chế biến thực phẩm, trong đó có chất E251, chúng tôi đã chuyển sang dùng E249 và E250. Đây là sơ sót của chúng tôi trong việc sử dụng bao bì cũ đã gây ra sự cố không đáng có”. Trả lời thiếu trách nhiệm của ông chủ “xúc xích bẩn” càng khiến người tiêu dùng thêm bức xúc khi thực tế xét nghiệm 4 mẫu xúc xích Viet Foods từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho kết quả “100% mẫu gửi xét nghiệm chứa chất cấm gây ung thư Sodium Nitrate - E251, với hàm lượng từ 89 - 100mg/kg”.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 cho biết, sau khi nhận được kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) đội đã tiến hành các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ và đến nay đội đã chuyển hồ sơ lên Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội để xử lý. Trong thời gian tới, quản lý thị trường sẽ tiến hành xác minh, kiểm tra các loại xúc xích đang bán trên thị trường. Nếu phát hiện có vi phạm chất lượng, sẽ tiến hành thu giữ và xử lý những người liên quan theo quy định của pháp luật.
Vẫn tồn tại nhiều chất độc hại
Theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường không chỉ có xúc xích của Viet Foods sử dụng E251 mà hiện có nhiều sản phẩm xúc xích của các công ty trong và ngoài nước vẫn sử dụng nhiều loại phụ gia và chất bảo quản như xúc xích tiệt trùng của Hạ Long, xúc xích của Visan đều có các chất phụ gia E249, E250, E450, E451, chất ổn định E452i, E1412, E1422… nhưng không ghi cụ thể hàm lượng của các chất này trong thực phẩm.
Để tìm hiểu về ảnh hưởng của các chất này đối với người sử dụng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm-Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định các chất phụ gia, bảo quản nếu sử dụng quá nồng độ cho phép đều gây độc vì thế cần phải công bố rõ hàm lượng các chất này được sử dụng trong thực phẩm là bao nhiêu, nếu sử dụng vượt quá hàm lượng cho phép sẽ gây hại cho người dùng.
Trên thị trường các chất E250, E249 đều dùng trong bảo quản như nhau, vẫn quen gọi với tên dân giã là muối diêm. Trong đó, E250 có độ độc hại rất cao không nên dùng cho trẻ em. Chất này có khả năng ôxy hóa rất mạnh, kết hợp với hóa chất trong dạ dày có thể tạo thành nitrosamine gây ung thư cho người dùng. Chất này khi vào cơ thể người thường gây ra ngộ độc cấp tính và ngộ độc trường diễn (dù ăn ít nhưng độc tính tích lũy dần dần sẽ gây ra ung thư).
Các loại hóa chất độc hại có trong lương thực, thực phẩm đã gây nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư với trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào đối với thực phẩm sơ chế hoặc chế biến sẵn vẫn chưa được quản lý chặt và đang tiếp tục đe doạ tính mạng, sức khoẻ người dùng./.