Tuy nhiên, ăn như vậy là vô tình nạp một lượng hóa chất vào cơ thể, và hậu quả thật khó lường.

thit_vit_gpop.jpg
Vịt được nhổ lông bằng hóa chất thường có da bóng phẳng lì, không còn lông, kể cả lông tơ. Ảnh Internet.

Chiều ngày 5/5, Phòng cảnh sát môi trường (PC 49) – Công an Nghệ An cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Đội quản lý thị trường số 3 – Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An phát hiện 1 cơ sở giết mổ gia cầm dùng hóa chất “lạ” để làm sạch lông vịt.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã bắt quả tang cơ sở (do bà Nghiêm Thị Tuấn, TP Vinh làm chủ) đang dùng một dung dịch màu đen để làm sạch lông vịt.

Tại đây, bà Tuấn công nhận, khi làm thịt vịt để nhập ra thị trường thì công đoạn làm lông là rất khó sạch vì lông tơ mọc nhiều, để nhổ hết là rất mất thời gian. Cơ sở của bà đã nghĩ ra “sáng kiến” là dùng 1 loại hóa chất màu đen kết hợp với nến, đun nóng lên, nhúng vịt vào, sau đó bóc lớp vỏ kết dính bên ngoài để tẩy sạch lông vịt.

Chủ cơ sở cũng cho biết loại hóa chất này mua ở chợ Vinh, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện, các cơ quan chức năng đã niêm phong số hóa chất trên để điều tra làm rõ. Ngoài ra, cơ sở này còn vi phạm các quy định về ATVSTP trong giết mổ gia súc gia cầm: không đảm bảo vệ sinh, không có đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận kiểm dịch...

Đây không phải là lần đầu, trước đó đã nhiều địa phương bị phát hiện, tuy nhiên vì lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh chấp nhận sử dụng hóa chất trong giết mổ, bất chấp rủi ro kể cả cho người làm trực tiêp, lẫn người sử dụng.

Được biết, một trong những hóa chất phổ biến được sử dụng làm sạch lông vịt là nhựa thông, đây là chất mà không được Bộ Y tế cho phép sử dụng vào bất kỳ hình thức nào trong chế biến thực phẩm vì chất này có chứa độc tố gây hại cho cơ thể người.

Thành phần của nhựa thông có đến 70% là chất colofan, chủ yếu để dùng trong công nghiệp chế biến, làm xà phòng, làm keo trong và công nghiệp chế tạo vi mạch điện tử hoặc chất đốt. Sau khi vào cơ thể, nhựa thông sẽ không bị bài tiết ra ngoài mà tích tụ lại, gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm đối với người dùng thực phẩm.

Bên cạnh đó, nhựa thông khi sôi ở nhiệt độ cao còn sản sinh ra lượng lớn khí a-mô-ni-ắc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân, ô nhiễm môi trường xung quanh. Vì vậy không chỉ người ăn, người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là người trực tiếp làm vịt bằng “công nghệ” này.

Theo các chuyên gia Y tế, nhựa thông khi đun sôi ở nhiệt độ cao sẽ làm cho lỗ chân lông trên da vịt giãn ra tối đa, vì thế có thể làm sạch hoàn toàn những lông nhỏ của vịt. Thịt vịt do đó sẽ trắng sạch, nhìn ngon mắt hơn. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, nhựa thông theo lỗ chân lông sẽ ngấm vào trong thịt vịt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để phân biệt thịt gia cầm có lẫn nhựa thông, theo các chuyên gia y tế khi ăn thịt sẽ có vị đắng, người tiêu dùng có thể dựa vào đó để nhận biết. Ngoài ra, nhựa thông dễ bị phân huỷ do nhiệt độ, vì thế nấu thịt chín kĩ có thể giảm đáng kể nguy cơ gây độc hại cho người ăn./.