Không ít lần PV đã có mặt tại Trạm kiểm dịch động vật (thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh) nằm trên tuyến Quốc lộ 1A ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Điều nghịch lý có thể nhận thấy là phương tiện vận chuyển động vật qua lại nơi đây chủ yếu chỉ dừng đỗ theo thói quen, rồi làm thủ tục kiểm tra thú y một cách chóng vánh, sau đó lại tiếp tục cuộc hành trình.

kiem_dich_1_cleu.jpg
Trạm kiểm dịch động vật ở phường Đậu Liêu - thị xã Hồng Lĩnh

Ban ngày đã vậy, còn ban đêm và đặc biệt là vào những lúc mưa gió, thì hầu hết các phương tiện khi đi qua trạm đều không gặp bất kỳ một sự cản trở nào. Xe chở động vật, sản phẩm động vật tự ý dừng đỗ cũng được, mà không dừng cũng chẳng sao.

Trong chốt kiểm dịch cũng không mấy khi có mặt cán bộ, nhân viên trực gác. Thay vào đó là hình ảnh nhếch nhác, bừa bộn với rất nhiều vật dụng, rác rưởi được vứt bỏ ngổn ngang. 

Rất nhiều người dân sống gần khu vực trạm bức xúc phản ánh, thời gian qua việc kiểm dịch động vật tại trạm được thực hiện một cách hời hợt. Xe chở động vật có cái tự ý chấp hành dừng lại để kiểm dịch trong giây lát, nhưng có không ít xe thì đi qua trạm một cách dễ dàng.

Việc phúc kiểm hồ sơ đã vậy, công tác tiêu độc khử trùng lại càng trở nên lo lắng hơn. Bởi ngay trước chốt kiểm dịch có những lúc nước chảy lênh láng khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Trạm kiểm dịch có cũng như không

Việc kiểm dịch động vật rồi xử lý vệ sinh thú y theo kiểu “được chăng hay chớ” như vậy liệu có đúng quy trình và đảm bảo chất lượng? Trước thực trạng này không ít người dân lo lắng về ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Tại buổi làm việc với ông Trần Hưng Khánh, Phó trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật ở phường Đậu Liêu, vị này cho biết: Bình quân mỗi tháng có khoảng từ 600 đến 700 xe chở trâu bò, lợn gà và các sản phẩm động vật qua lại nơi đây.

Lý giải về những bất cập nêu trên, ông Khánh cho rằng: “Trước đây Trạm đóng ở huyện Nghi Xuân và được chuyển vào thị xã Hồng Lĩnh hơn 1 năm. Hiện tại cán bộ, nhân viên của trạm đang phải thuê nhà dân để làm việc. Chốt kiểm dịch thì chật chội, mùa hè quá nóng bức nên không ai có thể ngồi trong đó để trực gác” - ông Khánh phân bua.

Hình ảnh nhếch nhác bên trong Trạm kiểm dịch

Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, theo ông Khánh thì phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ của trạm chưa được trang bị đầy đủ. Trên thực tế có nhiều xe chở động vật cố tình vượt qua trạm, buộc cán bộ, nhân viên phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng cảnh sát giao thông.

“Ngoài ra tiết trời nắng nóng, hầu hết các chủ phương tiện di chuyển từ miền Nam ra đều lo động vật bị chết, nên phía trạm cũng tạo điều kiện kiểm tra nhanh chóng, còn vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra cẩn thận hơn” - ông Khánh nói.

Phúc kiểm động vật và các sản phẩm động vật là việc làm hết sức cần thiết nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Thiết nghĩ, những lỗ hổng trong kiểm dịch động vật tại Trạm kiểm dịch động vật ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh cần sớm được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không thể chủ quan, lơ là dù trong mọi thời điểm./.