Thông tin cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung có độc tố, nếu người dân ăn vào hoặc sử dụng để làm mắm sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, khiến dư luận hoang mang. Trong khi đó, ngư dân không thể bán được cá đánh bắt được ngoài khơi.

Trao đổi với phóng viên sáng nay (25/4) về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) khẳng định, người dân không nên lo lắng đến mức cực đoan “quay lưng” lại với cá biển và cần sử dụng cá có nguồn gốc rõ ràng.

ca_chet_1_kwum_sdkf.jpg
Người dân không nên ăn hoặc làm mắm cá chết

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, thanh tra Bộ NNPTNT đã nhận được một số cuộc gọi từ đường dây nóng phản ánh tình trạng này, đề nghị Nhà nước cũng như các Bộ chuyên ngành có ý kiến kịp thời. Nếu dân không bán được cá, dùng cá đó để làm mắm thì sẽ rất là nguy hiểm. Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo ngay đối với 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế là quyết liệt xử lý, chôn lấp, tiêu hủy cả chết; không cho phép sử dụng cá chết làm mắm.

Trả lời câu hỏi “nhiều người dân cho rằng tốt nhất không nên ăn cá biển vào thời điểm nhạy cảm này và bao lâu thì có thể ăn cá trở lại?”, ông Phạm Tiến Dũng khẳng định: Việc báo chí đưa tin một con cá heo khoảng 100kg chết  trôi dạt vào bờ biển Thừa Thiên – Huế vào ngày 23/4 cho thấy việc cá chết do chất độc chưa thể dừng lại.

Ông Phạm Tiến Dũng: "Cần ăn cá có nguồn gốc hoặc đánh bắt ngoài khơi"

“Đối với những vùng đã được khoanh, người dân phải hạn chế sử dụng hải sản, cố gắng tìm thực phẩm biển có nguồn gốc rõ ràng. Nếu như cá được đánh ngoài khơi đem về thì người dân nên mua để đảm bảo an toàn. Còn việc người tiêu dùng không dùng cá biển là không nên, bởi cá biển là loài cá sạch nhất, không phải là cá nuôi. Cho nên người dân không nên quay lưng lại với loại thực phẩm này. Chúng ta nên sử dụng cá biển có nguồn gốc rõ ràng” – ông Phạm Tiến Dũng khuyến cáo.

Như đã thông tin, từ nhiều ngay qua, cá chết hàng loạt bất thường xảy ra tại các tỉnh miền Trung khiến người dân lo lắng nếu ăn phải loại cá này. Trước đó, sáng 20/4, Trạm Y tế xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết tiếp nhận bệnh nhân Trần Thanh Th. (8 tuổi, người địa phương) vào cấp cứu trong tình trạng ngộ độc thực phẩm. Theo người nhà, trước đó, cháu Th. đã ăn phải loại cá trôi dạt vào bờ biển địa phương./.