Người lao động bị bỏ rơi?Trong hợp đồng đi làm việc có thời hạn ở Malaysia giữa người lao động với công ty môi giới xuất khẩu lao động quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp môi giới. Theo đó, doanh nghiệp cam kết giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa chủ sử dụng lao động với người lao động để đảm bảo những quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động; xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động trong thời gian làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.

Cam kết là vậy, nhưng ở Malaysia, lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số dường như đang bị bỏ rơi!

xk-lao-dong-5.jpg
Làng quê của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang vẫn chưa thể thoát nghèo

Anh Bhnướch Liễu, thôn Pơrning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ngậm ngùi nhớ lại: “Chúng tôi làm việc liên tục từ thứ 2 đến chủ nhật. Họ ép buộc công nhân làm, thậm chí chúng tôi xin uống, đi vệ sinh họ cũng không cho. Tiền lương chỉ có 21 RM. Ông chủ luôn miệng mắng, chửi bới công nhân. Tôi làm sơn bên đó rất khổ cực, không được uống nước, môi trường nóng nực nhưng không có quạt”.

Còn ông Zơ Râm Nhưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ga Ry, huyện Tây Giang, tỉnh Quang Nam cũng rất búc xúc trước những phán ánh của nhiều lao động sau khi về nước: “Lao động đang làm ở công ty và chuẩn bị được nâng lương, nhưng lương chưa kịp nâng thì người lao động phải chuyển đi xưởng khác làm. Mà chuyển xưởng khác thì họ bắt buộc được trả lương thấp vì mới nhập. Công ty “chơi” như thế, thì rất có tội cho lao động của mình”.

Thời gian qua, người lao động làm việc trong môi trường thế nào, sức lao động có bị bóc lột quá mức hay không và quyền lợi của họ có bị xâm phạm không… cũng chưa thấy ai quan tâm thỏa đáng. Rõ ràng, đưa bà con dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động mà chẳng khác gì “đem con bỏ chợ”! Thiệt hại này không thể bỏ qua trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Bà Lê Minh Thùy, PGĐ Công ty Cổ phần phát triển Liên Việt, Chi nhánh miền Nam thừa nhận: “Các em có suy nghĩ khi đi nước ngoài thì sẽ làm giàu nhanh chóng, không phải làm nhiều nhưng vẫn kiếm tiền được nhiều. Thứ 2, các em chưa thích nghi được với môi trường, kỷ luật và kỹ thuật của nước ngoài nên dễ dàng mắc phải lỗi. Về thu nhập chưa cao ở một số nhà máy gặp khó khăn về công việc cũng như làm cho lao động nản. Thời gian đó, không chỉ Việt Nam mà ở nước ngoài, một số doanh nghiệp phá sản rất nhiều. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận về cách quản lý lỏng lẻo”.

Mới đây, chính quyền huyện Tây Giang đã tổ chức cuộc họp có sự tham dự của doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động và những lao động về nước trước thời hạn để làm sáng tỏ những bức xúc này.

Theo ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá từ công tác đưa con em địa phương đi xuất khẩu lao động và khẳng định có cách để buộc công ty môi giới không dễ dàng chối bỏ trách nhiệm của mình như thời gian vừa qua.Không còn mặn mà với xuất khẩu lao động

Nếu trước đây, với viễn cảnh về một cuộc sống sung túc, khá giả nhờ xuất khẩu lao động đã thôi thúc thanh niên các dân tộc thiểu số hăng hái đăng ký, thì bây giờ khi đề cập đến chuyện “xuất ngoại”, nhiều bà con thấy sợ. Người đi trước khuyên những người có ý định đi xuất khẩu lao động chớ nghe lời dụ dỗ của các công ty môi giới, để rồi “tiền mất tật mang”. Chính quyền địa phương nhiều huyện 30a cũng không còn mặn mà như trước.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang- tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương không còn mặn mà với xuất khẩu lao động

Ông Hồ Minh Long, Phó Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trên địa bàn có 10 xã, huyện giao cho các địa phương mỗi xã 10 người phải đăng ký đi. Cho đến thời điểm này mới có hơn 110 lao động, trong đó hơn một nửa đã về nước. Đặc biệt, năm 2013 giao chỉ tiêu mỗi xã 3 người, nhưng không đạt”.

Trong lúc đó, các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động vẫn “nhiệt huyết” về từng thôn, gõ cửa từng nhà tìm lao động đưa đi xuất khẩu. Và doanh nghiệp được gì trong chuyện này?

Theo Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, Nhà nước hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số toàn bộ kinh phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ thêm tiền ăn với mức 40.000 đồng/người/ngày; 200.000 đồng/người/tháng tiền ở; 400.000 đồng/người tiền mua sắm đồ dùng cá nhân; tiền tàu, xe; chi phí làm làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe và làm lý lịch…

Người lao động còn phải nộp cho doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu lao động khoảng 23 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ cần có Giấy xác nhận tuyển dụng của công ty môi giới xuất khẩu lao động cùng Bản cam kết trả nợ của người lao động và gia đình, khoản tiền này sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương rót thẳng vào tài khoản của doanh nghiệp môi giới.

Trường hợp người lao động buộc phải nước trước thời hạn, khoản vay Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ trở thành nợ xấu và chờ Nhà nước cho khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí có thể được... xóa nợ. Vậy là, Nhà nước thiệt cả đôi đường.

Trong khi đó, cứ đưa một lao động sang làm việc tại Malysia, Công ty môi giới được quyền thu và sử dụng các khoản như: hơn 8 triệu đồng tiền phí quản lý lao động của cả 3 năm dự kiến làm việc; khoảng 5,5 triệu đồng tiền phí môi giới và hơn 4 triệu đồng tiền được ghi là mua đồ dùng cá nhân và chi tiêu tháng đầu của người lao động...

Công ty môi giới còn được trao quyền làm cả công tác đào tạo, giáo dục định hướng, thi kiểm tra cấp chứng chỉ cho người lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài. Theo quy định, với mỗi lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức. Nguồn kinh phí chi cho công tác này cũng từ ngân sách Trung ương.

Rõ ràng, đưa một lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, dù làm hết thời hạn hợp đồng hay phải về nước trước thời hạn, cũng đều mang lại cho doanh nghiệp môi giới một khoản tiền không nhỏ. Vì thế, nhiều doanh nghiệp tranh nhau lùng sục tìm người có đủ sức khỏe để tư vấn, thuyết phục, rồi đào tạo đưa đi xuất khẩu. Mà không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ may được “chỉ định” làm công việc này!

Vấn đề đặt ra, có hay không đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ xuất khẩu lao động chính là doanh nghiệp môi giới chứ không phải người lao động?

Vì vậy, cũng không mấy ai dám nói chắc rằng: Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động đã thực sự góp phần giảm nghèo bền vững như mục tiêu đã đề ra./.

>>Đọc lại bài 1:Nghèo hơn vì...xuất khẩu lao động.