Tình trạng xe máy, xe ba bánh chở sắt thép vật liệu xây dựng quá khổ lưu thông trên đường không chỉ gây mất trật tự giao thông, mà còn được ví như những cái máy chém trên đường, khi liên tục gây ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm. Để xử lý triệt để tình trạng này rất cần sự quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như những giải pháp căn cơ lâu dài.

vov_xe_ba_gac_cho_hang_cong_kenh_1_dida.jpg
CSGT TP.HCM xử phạt xe ba gác chở hàng cồng kềnh.

Gần đây, liên tục nhiều vụ tai nạn do xe ba bánh chở tôn sắt thép, xe hai bánh chở hàng quá khổ gây ra tai nạn thương tâm cho người đi đường. Hầu hết người điều khiển loại phương tiện này và chủ hàng đều biết nguy hiểm đối với người tham gia giao thông, song vì lợi ích cá nhân, lợi nhuận kinh doanh mà họ phớt lờ những nguy hiểm cho cộng đồng. Tại các khu vực vùng ven, ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nhiều chợ đầu mối, khu tập trung vật liệu xây dựng... rất dễ dàng bắt gặp xe lôi, xe ba bánh, xe máy kéo thùng ngổn ngang hàng hóa, sắt thép chìa ra hàng mét. Chỉ cần sơ suất là tai nạn có thể xảy ra. Chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ, ngay tại khu vực Ngã tư Bình Phước, gần chợ đầu mối Thủ Đức, lực lượng chức năng đã xử phạt hàng chục vụ vi phạm.

Anh Nguyễn Văn Sanh, một người vi phạm nói: “Bây giờ phải chấp nhận nộp phạt thôi để có việc làm, chứ không lẽ nằm nhà không làm gì hết, bây giờ chúng tôi không biết làm sao nữa”.

Qua các đợt ra quân xử phạt loại xe này của lực lượng chức năng cho thấy, phần lớn trường hợp vi phạm là lao động ngoại tỉnh đến thành phố chạy thuê cho các cơ sở, kéo xe bán hàng rong vì điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy mọi người có thể chia sẻ với những khó khăn đó, song không thể đồng tình với những vi phạm nêu trên.

Ông Phạm Quốc Đoan, một người dân bức xúc:“Xe chở sắt thép, tôn cồng kềnh kiểu này quá nguy hiểm, nhiều lúc chở con đi học đi sau những xe chở tôn, chở sắt dài ngoằng, chỉ cần phía trước có sự cố là phía sau thắng không kịp là đâm mặt vào những thanh tôn, thanh sắt. Phải xử phạt thật nặng để họ không chở như vậy nữa”.  

Ngay từ năm 2008, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quyết định thu gom xe ba gác, xe ba bánh và có chính sách hỗ trợ kinh phí cho chủ phương tiện chuyển đổi phương tiện mới. Từ đó đến nay, những chiếc xe ba bánh kéo của Trung Quốc được chọn làm phương tiện thay thế và hiện được cho phép lưu thông ở khu vực ngoại thành.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều xe ba bánh hoán cải, xe tự chế, xe ba gác, xe cà tàng, xe máy lôi, rất nhiều xe trong số đó không an toàn, không giấy tờ rõ ràng nên khi gây tai nạn, người điều khiển bỏ trốn và cuối cùng, người đi đường lãnh đủ vì lực lượng chức năng không thể tìm ra đối tượng để truy cứu.

Thiếu tá Nguyễn Đoàn Phúc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Bình Triệu cho biết: Khi lực lượng chức năng ra kiểm tra thì các phương tiện luôn tìm cách đối phó, né tránh vào những đường nhánh nên công tác xử lý thời gian qua có hiệu quả, nhưng chưa được căn cơ dứt điểm. Tuy nhiên, những phương tiện phát hiện không giấy tờ, không bằng lái thì cảnh sát giao thông tịch thu xe.

Ông Phúc cho rằng: “Muốn dứt điểm tình trạng này thì phải nâng mức phạt đối với cả xe kéo 3 bánh do Trung Quốc sản xuất và các phương tiện ba gác, xe lôi tự chế... Với mức phạt thấp như hiện nay không đủ sức răn đe thì không thể giải quyết dứt điểm được. Sắp tới đây, chúng tôi cũng sẽ quyết liệt hơn với các loại phương tiện này”.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng, với mức phạt từ 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng theo điểm k, khoản 4, điều 6, Nghị định 46 của Chính phủ, hiện nay xuất hiện tình trạng người điều khiển phương tiện chấp nhận nộp phạt để có thể tăng thêm lợi nhuận khi chuyên chở.

Nếu mức phạt tăng cao và lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, chắc chắn buộc chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện phải có phương thức vận tải khác, như chia thành nhiều đợt hoặc lưu thông vào thời điểm phù hợp. Họ có thể tăng chi phí vận chuyển, nhưng so với mức phạt cao thì họ buộc phải lựa chọn. Từ đó tạo ra ý thức giao thông tốt hơn cho người tham gia giao thông.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh nói: “Nếu chúng ta bỏ qua hay du di thì khiến người dân nhờn luật và tiếp tục tái phạm. Tất nhiên khi làm căng với tình trạng này sẽ đụng chạm quyền lợi của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta không cương quyết bởi khi lưu thông mà gặp những loại xe chở như vậy rất nguy hiểm”.

Việc tăng mức phạt là một giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, để lâu dài và hiệu quả hơn đúng với quy luật phát triển hiện đại, ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phải sớm tính đến giải pháp cấm xe ba bánh, xe thô sơ, xe tự chế, song song với việc có chính sách giúp chủ phương tiện thay đổi nghề nghiệp, không nên để các phương tiện này tồn tại, gây mất an toàn giao thông, đe dọa tính mạng người dân./.