VOV vừa đăng tải bài viết Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên bị xâm lấn nghiêm trọng mà Phóng viên VOV khu vực Tây Bắc đã phản ánh trong bài viết “Có hay không việc tiếp tay xâm lấn di tích cấp Quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ?”.

ham_chi_huy_vov_1_vtly.jpg
UBND tỉnh Điện Biên khẳng định việc xây dựng các công trình có tính chất kinh doanh, xâm hại di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.

Về nội dung này lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên khẳng định, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, tôn tạo điểm di tích cấp quốc gia này. 

Theo biên bản kiểm tra ngày 4/4/2018 về việc vi phạm trên đất di tích lịch sử tại Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện Điện Biên, Ủy ban nhân dân xã Mường Phăng thành lập nêu rõ: Gia đình ông Cầm Văn Hặc đã tự ý dựng 2 chiếc lán và sửa chữa, cải tạo ao cũ của gia đình, trong đó có một phần đất ao và lán nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích thành phần thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu gia đình ông Hặc tháo dỡ, di dời 2 lán trong khu vực bảo vệ II của di tích, giữ nguyên hiện trạng ao cá, không được đào đắp, xây dựng bất kỳ công trình nào khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Gia đình ông Hặc cũng cam kết không vi phạm và thực hiện theo các yêu cầu của đoàn kiểm tra đề nghị.

Những sai phạm trong việc xâm lấn di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được lãnh đạo tỉnh Điện Biên ghi nhận.

Tuy nhiên, sau thời điểm kiểm tra, gia đình ông Cầm Văn Hặc đã không tuân thủ, vẫn tiếp tục tiến hành dựng thêm lán trong khu vực này. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở thừa nhận tại khu vực này đã có sự thay đổi so với thời điểm khi đoàn kiểm tra, tiếp tục có thêm một lán thờ được dựng lên. Thế nhưng, theo “cảm quan” của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh thì mức độ đánh giá không ảnh hưởng đến cảnh quan của khu di tích, chưa ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường nên chưa báo cáo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. 

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên nói: “Hiện tại do chưa có quy hoạch khoanh vùng, chưa đền bù, chưa có dự án để di dân cho nên không thể đuổi người ta ra khỏi khu vực được. Quản lý thế nào đó để không ảnh hưởng đến cảnh quan, không làm hại đến môi trường của khu du lịch và hiện tại chúng tôi cho rằng sở làm đúng, và cũng đã động viên gia đình để đảm bảo được không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và phục vụ vụ khách du lịch một cách tốt nhất”.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với phóng viên VOV về nội dung này, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên lại cho biết: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được khoanh vùng cắm mốc, xác định vị trí, ranh giới vào năm 2002 và trong thời gian vừa qua toàn bộ khu rừng, khu di tích đã được tỉnh tiến hành bảo tồn một cách nghiêm ngặt.

Tại thời điểm cắm mốc, xác định ranh giới cũng đã có một nhà dân đã tồn tại trước đó và được xác định nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích cấp quốc gia này. Thế nhưng tại thời điểm đó do chưa có đủ kinh phí đền bù, giải tỏa nên chủ trương của tỉnh là tạm cho người dân tiếp tục làm nương, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng lán ở, không cho làm thêm nhà. Việc thời gian gần đây gia đình ông Cầm Văn Hặc đã tự ý tu sửa lán nương đang ở, làm thêm một số lán tre, nhà ở, chòi câu cá với mục đích kinh doanh, phục vụ du khách tham quan nghỉ ngơi là vi phạm nghiêm trọng đến vùng bảo vệ 2 của di tích này. Ủy ban tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương kiểm điểm, làm rõ sai phạm; yêu cầu gia đình ông Cầm Văn Hặc ngừng các hoạt động xây dựng, giữ nguyên hiện trạng để xác định lại vị trí, khẩn trương di chuyển khi có kinh phí đền bù.

 Tượng đài kéo pháo bằng tay thuộc địa phận bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên bị người dân dựng nhà ở phá vỡ cảnh quan.

Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nói: “Công tác quản lý đất đai của UBND huyện Điện Biên, UBND xã Mường Phăng, Ban quản lý di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là còn lỏng lẻo để cho người dân làm lán trại, làm thêm nhà trên diện tích vùng 2 của di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo một cách kiên quyết, về phía gia đình ông Cầm Văn Hặc là không cho xây dựng thêm chờ triển khai phương án di chuyển, bồi thường trong năm 2018 này. Và đã chỉ đạo huyện Điện Biên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có vi phạm, từ đó quy trách nhiệm rõ ràng để xử lý”.

Những sai phạm trong việc xâm lấn di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được lãnh đạo tỉnh Điện Biên ghi nhận, khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý. Tuy nhiên, vấn đề này đã cho thấy những bất cập trong công tác bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử tại Điện Biên hiện nay.

Việc chưa khoanh vùng, cắm mốc được địa giới của di tích dẫn đến thực trạng các hộ dân cư sinh sống xung quanh làm thay đổi môi trường, cảnh quan, thậm chí là xâm lấn di tích diễn ra ngày càng nhiều, làm tác động đến cảnh quan, các yếu tố gốc cấu thành nên di tích.

Ngoài vi phạm xâm lấn tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ như đã nêu, từ đầu năm đến nay, tỉnh Điện Biên đã xảy ra liên tiếp 2 vụ xâm lấn di tích cấp quốc gia nghiêm trọng. Đó là vào tháng 4/2018, tại Đồi Độc Lập, người dân ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên lấn chiếm và san ủi trái phép khu vực bảo vệ vành đai 2 di tích đồi Độc Lập khi thi công xây dựng nhà ở. Kế đến là đầu tháng 7/2018, tại khu vực phía sau Tượng đài kéo pháo bằng tay thuộc địa phận bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên cũng xảy ra trường hợp 2 hộ dân dựng nhà sàn và các công trình phụ trợ cách di tích cấp quốc gia đặc biệt này khoảng 60 mét, làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên khu di tích.

Điều đáng nói là để xảy ra sự việc này, ngoài sự thiếu hiểu biết của người dân còn có sự thờ ơ của chính quyền địa phương, cũng như một số đơn vị quản lý di tích hiện nay.

Tháng 4/2018, tại Đồi Độc Lập, người dân ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên lấn chiếm và san ủi trái phép khu vực bảo vệ vành đai 2 di tích đồi Độc Lập khi thi công xây dựng nhà ở.

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên thừa nhận công tác bảo tồn, tôn tạo, phục dựng nguyên trạng Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. “Việc phân giới cắm mốc, giải tỏa mặt bằng, định vị vệ tinh, cấp sổ đỏ để bảo vệ và giao cho các cơ quan đơn vị để quản lý thì ngành vẫn chưa triển khai được, hoặc triển khai ở mức độ rất hạn chế. Trong quá trình xác định chúng tôi cũng đã phân giới cắm mốc nhưng cắm mốc ở xa cho nên trong quá trình xâm hại di tích một số người đã di chuyển mốc hoặc việc xác định giữa mốc giới của di tích với đất xây dựng hoặc đất lâm nghiệp vẫn còn mắc. Chính vì việc phân giới cắm mốc đã tạo ra việc tranh chấp, xử lý một số việc vướng mắc giữa người sử dụng đất đã được quyền sử dụng đất và đất di tích này”.

Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, với những bất cập thực tế, hiện hữu trong công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu tôn tạo quần thể di tích này, chính quyền tỉnh Điện Biên cần đề ra những giải pháp tối ưu hơn, hữu hiệu hơn trước khi hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.