Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu vừa đi kiểm tra, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hoạt động này nhằm đánh giá kết quả, khó khăn; tìm hiểu cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và bài học kinh nghiệm, lắng nghe đề xuất, kiến nghị trong chỉ đạo, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế từ đó, tổng hợp và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương.
“Cuộc cách mạng cho vùng nông thôn”
Đoàn công tác đã đến kiểm tra và làm việc tại một số xã trên địa bàn huyện Phú Vang về tình hình triển khai xây dựng nông thôn mới. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và đoàn công tác đã trao đổi, lắng nghe những kinh nghiệm, tâm tư, nguyện vọng của các cấp chính quyền, của người dân và chủ cơ sở sản xuất trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhìn lại quá trình triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự là “cuộc cách mạng cho vùng nông thôn”, mang lại diện mạo hoàn toàn khác, nhất là với những thôn, xã nghèo…toàn diện, có mức sống rất thấp.
Theo ông Phương, một trong những thành tựu đáng chú ý của tỉnh Thừa Thiên Huế trong xây dựng nông thôn mới là triển khai mạnh mẽ hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, gom những chủ rừng là người dân cùng liên kết, làm dịch vụ cho chính họ và người xung quanh. Điều quan trọng là tham gia trồng rừng bền vững, với hàng ngàn ha rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững.
Đối với đồng bào vùng cao vốn khó nâng cao chất lượng sống, tỉnh đã mạnh dạn giao đất giao rừng cho người dân, hỗ trợ giảm nghèo khá tốt trong nhiều năm qua, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong quá trình phát triển, các hợp tác xã đóng vai trò dẫn dắt thành viên, hộ liên kết phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn lao động, mở ra hướng đi bền vững.
Đề cao các tiêu chí về GD-ĐT, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh sẽ tập trung tăng nhanh tiến trình chuẩn hoá cơ sở vật chất trường học bằng nguồn lực của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Về phân luồng và phổ cập ở Huế được đánh giá cao. Các phong trào nét đẹp văn hoá học đường, hệ thống xử lý rác thải trong trường học được triển khai khá tốt trong toàn tỉnh”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở thừa nhận, một trong những bất cập nhất hiện nay là nhà vệ sinh trong trường học. Vì vậy, ngày 24/02/2020, tỉnh đã ban hành Quyết định số 525/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Nhà vệ sinh trường học giai đoạn 2020-2021, có sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm. Theo đó, tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp duy tu, bảo dưỡng 501 nhà vệ sinh học sinh, 108 nhà vệ sinh giáo viên; xây mới 88 nhà vệ sinh học sinh và 131 nhà vệ sinh giáo viên.
Xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo tính bền vững
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của địa phương, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, những kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2016-2020 đều vượt chỉ tiêu đặt ra. Nhiều cách làm sáng tạo, đặc biệt là liên kết trong sản xuất, trồng rừng, tăng giá trị đồi rừng, giao đất giao rừng cho người dân, giảm nghèo bền vững. “Người dân giữ rừng, canh rừng, sống với rừng. Phương châm này rất đúng, bền vững và hiệu quả”, Thứ trưởng nói.
Những kết quả đạt được đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thiên tai. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu ngân sách của tỉnh; cũng như tới việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Thứ trưởng ghi nhận sự chủ động, khẩn trương của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm khắc phục hậu quả của thiên tai để hoạt động dạy học sớm trở lại bình thường.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới với hai giai đoạn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý quan điểm xuyên suốt: Chương trình xây dựng nông thôn mới là “một cuộc vận động” chứ không phải chương trình đầu tư. Xây dựng nông thôn mới phải vừa toàn diện vừa trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, không nên coi “đạt chuẩn” là hoàn thành bởi xây dựng nông thôn mới có điểm mở đầu nhưng không có điểm kết thúc, năm nay đạt chuẩn thì năm sau phải tiếp tục phấn đấu để giữ chuẩn, nâng chuẩn.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh thêm, xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo sự bền vững, với ba trụ cột, tiêu chí: Đổi mới, tổ chức lại mô hình sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân; Đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp; Sự thụ hưởng của người dân về văn hoá, y tế, giáo dục.
Về bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động người dân vào cuộc; công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở, đội ngũ đảng viên; lập kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể; Kiểm tra, đôn đốc; phân bổ nguồn lực phù hợp; công tác dự báo, xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thiện báo cáo đầy đủ, chính xác, với những kiến nghị cụ thể, chi tiết. Đồng thời, tỉnh cần xác định rõ nguồn lực cho năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 phù hợp, khả thi, đặc biệt, cụ thể hóa giải pháp để nâng cao chất lượng từng tiêu chí./.