Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phải làm cho người dân nông thôn giàu có hơn, đời sống văn hóa lành mạnh và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, nhiều xã có những đổi thay đáng kể. Thế nhưng, khi triển khai chương trình này, ở nhiều vùng nông thôn vẫn còn xảy ra nhiều chuyện nhiễu nhương, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Từ việc vận động người dân đóng góp theo kiểu bắt buộc đến chuyện cán bộ xã tư lợi, công trình làm chưa xong đã xuống cấp, lãng phí lớn… càng tăng thêm những bức xúc trong dư luận xã hội.

nha_van_hoa_zxpk.jpg
Nhà văn hóa xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình xây dựng hoành tráng giữa cánh đồng trống, không nhiều người người lui tới. 

Theo ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cố vấn Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện có nhiều nỗi lo cũ trong xây dựng nông thôn mới.

Trước hết, các địa phương muốn thay đổi nhanh kết cấu hạ tầng nông thôn nên nhiều nơi dồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng quá sức so với nguồn lực của địa phương mình, từ đó nảy sinh dấu hiệu đổ nợ. Ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, nhiều xã có biểu hiện nôn nóng, mắc bệnh thành tích nặng.

Theo ông Hùng: "Việc nôn nóng này chung quy lại có 2 vấn đề: Có nơi còn nặng về chủ nghĩa thành tích. Mà đây là một chương trình lâu dài chứ không phải phong trào. Hiện trạng hiện nay là đã có không ít tư tưởng, khuynh hướng theo kiểu phong trào, phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu ở các địa phương, nhất là Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã, thôn, ấp, chi bộ cũng vậy. Chúng ta hay làm chủ theo đại diện. Lâu nay chúng ta hay nói làm chủ tập thể, cách đó là cứ mời đại diện dân thôi. Thói quen làm chủ theo đại diện này làm cho vai trò chủ thể của từng người dân giảm hẳn và họ không phát huy được. Cách tổ chức thực hiện thì nhất định phải thảo luận với dân thật cụ thể, tránh chồng chéo".

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: "Đây là sự nghiệp cách mạng lâu dài không thể nôn nóng. Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã nói rất rõ đây là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta. Đây là chương trình lâu dài chứ không phải phong trào chứ không phải thời gian ngắn. Mà mình quan niệm là phong trào ra quân rầm rộ trong một thời gian ngắn là thôi. Bệnh phong trào dẫn đến bệnh thành tích. Chúng ta phải thật kiên trì nhưng không phải kiên trì vô thời hạn mà phải lựa chọn từng tổ chức, cá nhân, từng gia đình để làm cho phù hợp".

Chạy theo thành tích nhiều nơi tìm mọi cách “khai thác” triệt để sức dân. Xã nào cũng hô hào kêu gọi tự nguyện nhưng những gia đình hoàn cảnh khó khăn cũng chưa được xem xét miễn giảm đóng góp. Vợ chồng anh Dương Công Thủy, chị Lê Thị Trắc ở thôn Tân Ninh, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có đứa con tật nguyền. Cháu Dương Thị Giang đã hơn 13 tuổi nhưng chưa biết nói, không đi lại được, mọi việc đều có người phụ giúp. Gia cảnh nghèo khó là thế mà nhà chị cũng phải đóng đủ khoản tiền làm đường nông thôn mới. Tiền làm đường đã nộp từ lâu nhưng con đường dẫn vào nhà chị vẫn đất bụi, lầy lội. 

Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Thoái ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình “ăn ngủ không yên” vì dám tố cáo việc làm sai trái của cán bộ xã. Bà Thoái “tố” mấy ông cán bộ xã nâng khống chiều dài con đường ở thôn Tân Lỵ từ 590m lên trên 1.000m lấy tiền chia nhau. Chưa hết, chính quyền xã còn thu lại tiền cứu trợ bão lụt, quà Tết Nguyên đán của những gia đình khó khăn để trừ vào tiền làm đường xây dựng nông thôn mới. Cả người tàn tật, mắc bệnh tâm thần, đau ốm nặng, hộ nghèo “rớt mồng tơi”... cũng bị trừ tất. 

Vậy là bà Nguyễn Thị Thoái đi kiện, đòi lẽ công bằng. Bà Thoái nói chắc nịch: "Nhiều đoạn đường nâng khống, tiền thu của dân sai. Ví dụ Nhà nước huy động nhân dân 10% nhưng xã vẫn thu 40%. Nếu không nộp sẽ bị phạt, kiểm điểm. Cán bộ biết sai  nhưng vẫn tìm cách trấn áp…”.

Tại kỳ họp cuối năm nay, các vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng phản đối chuyện dê, nhím, gà của chương trình nông thôn mới đi lạc vào nhà cán bộ. Đó là câu chuyện người dân xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bức xúc khi chính quyền xã dùng khoản tiền 150 triệu đồng từ chương trình nông thôn mới mua 15 con bò cấp hỗ trợ cho 15 hộ mà đa số là người nhà cán bộ. 

"Có chiều hướng lợi dụng, tham ô. Bây giờ có 5 con bò ở xóm dưới, 2 chị em trưởng công an, phụ nữ 2 con, 2 anh em thôn trưởng 2 con, 1 phụ nữ thôn 1 con. Hết! dân không có người nào."- ông Phạm Văn Quế, ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa lên tiếng phản đối.

Bà Lê Thị Phiên, ở xã Quế An, huyện Quế Sơn bày tỏ bất bình về việc làm sai trái của mấy ông cán bộ xã: “Dân bức xúc lắm, muốn phanh phui mọi sự việc sáng tỏ để đem lại niềm tin cho dân. Để khi chính quyền họp nói điều gì dân nghĩ đó là sự thật. Cách đây không lâu, 23 cán bộ ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam rủ nhau đưa gà nông thôn mới về nhà mình nuôi. Chỉ duy nhất 1 hộ dân được nhận gà về nuôi nhưng người này cũng là họ hàng, người thân cán bộ xã”. 

Người dân là chủ thể và cũng là người hưởng lợi từ thành quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Những câu chuyện buồn về bệnh thành tích, nóng vội và một số cán bộ tham lam đã và đang làm mất niềm tin trong nhân dân, gây nhiều trở ngại trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Một khi lòng dân không thuận chương trình này khó đạt mục tiêu mong muốn./.