Những vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian qua cho thấy vụ việc không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đã là một vấn nạn xã hội. 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cho rằng: “Việc xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em càng rút ngắn thời gian càng tốt để giảm thiểu sự đau đớn về mặt tinh thần cho người bị hại và gia đình. Người dân cũng cần nhận thức rõ là việc tố cáo tội phạm này là cần thiết, có như thế mới ngăn chặn sự gia tăng của loại tội phạm này”.

linh_jgyx.jpg
Dư luận bức xúc vì vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh vẫn chưa bị xử lý

Vì sao vụ việc kéo dài?

Hai trong nhiều vụ việc xảy ra gần đây gây bức xúc dư luận là vụ ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, ngụ TP. Đà Nẵng, nguyên Viện phó Viện KSND TP. Đà Nẵng) có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy tại chung cư Galaxy 9 (phường 1, quận 4, TP.HCM) vào tháng 4/2019 và vụ bé gái 9 tuổi bị ông Nguyễn Trọng Trình (31 tuổi, trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) xâm hại tình dục vào tháng 2/2019).

Trong 2 vụ việc trên, đối tượng rõ ràng, hành vi rõ ràng nhưng có vẻ như cơ quan tố tụng có sự chậm trễ và lúng túng trong xử lý vụ việc khiến đã nhiều tháng trôi qua, vụ việc vẫn chưa được xử lý gây bức xúc trong dư luận.

Tại talkshow “Tay phải - tay trái hay sự vô cảm của nạn yêu râu xanh” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng, vụ việc của ông Nguyễn Hữu Linh dù chưa bị pháp luật xử lý, nhưng ông Linh cũng đã phải trả giá trước những “trừng phạt” từ xã hội.

Sự “trừng phạt” của xã hội dành cho ông Linh đánh động những người đang có ý định thực hiện hành vi như thế phải chùn bước. Tuy nhiên, để tiến tới một xã hội văn minh thì mọi việc phải được xử lý theo pháp luật. “Ai cũng mong muốn được sống và làm việc theo pháp luật thì hệ thống luật pháp phải hoàn chỉnh và việc thực thi luật pháp phải được thực hiện nghiêm túc”, bà Vân Anh nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng,  Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, nhìn nhận 2 vụ việc trên, dư luận đặt nghi vấn: Liệu có hay không việc cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm hoặc làm sai lệnh hồ sơ hay làm nhẹ vụ việc?

Luật sư Hùng nhận xét, trong bất kỳ vụ án nào, chứng cứ vật chất buộc phải có nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã khá máy móc khi tiếp nhận thông tin của người bị hại. Theo đuổi vụ việc của bé gái 9 tuổi ở Chương Mỹ, ông Hùng cho biết, việc trưng cầu giám định mất hơn 10 ngày, trong khi những chứng cứ, dấu vết trên thân thể người bị hại mất đi rất nhanh. Nếu không thu thập ngay, không đưa giám định ngay thì ngay ngày hôm sau chứng cứ đã mất hết. Nếu cơ quan công an vẫn đi theo lối mòn như vậy, việc chứng minh sự thật vụ án bị ảnh hưởng rất nhiều. Không có chứng cứ vật chất, khi cơ quan tố tụng muốn sử dụng căn cứ pháp lý để kết tội đối với bị can, bị cáo rất là khó khăn. Rồi là việc lấy lời khai của bị hại hay bị can, bị cáo đang làm khá chậm trễ. Cách làm của cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay thường là lấy lời khai từng người, và đợi ngày này qua ngày khác mới lấy lời khai thì tính khách quan, cấp thiết và sự thật sẽ bị mai một đi.

Theo luật sư Hùng lời khai ban đầu mang tính khách quan nhất, chính xác nhất cần lấy sớm bởi những lời khai sau đó thường ít nhiều bị tác động của rất nhiều yếu tố khiến lời khai không còn tính khách quan.

Luật sư Hùng còn lưu ý với nạn nhận bị xâm hại tình dục, nhất là nạn nhân còn nhỏ tuổi phải có cách hỏi cung mang tính nhân văn, tức là làm sao để ít ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân nhất. Không nên mời nạn nhân lên đồn cảnh sát mà nên hỏi cung ở những phòng mang tính thân thiện như: văn phòng luật sư, phòng của trung tâm tư vấn tâm lý với sự có mặt của chuyên gia tâm lý để họ làm công tác tư vấn tâm lý cho người bị hại, bởi khi một đứa trẻ phải nhớ lại những chuyện khủng khiếp là chúng lại phải trải qua nỗi đau thêm một lần nữa.

Cần rút ngắn thời gian tố tụng

Để những vụ án xâm hại tình dục không bị kéo dài quá lâu, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng kiến nghị, khi tiếp nhận thông tin ban đầu, cơ quan tiến hành tố tụng nên áp dụng biện pháp rút gọn, đưa nạn nhân đi kiểm tra và giám định ngay mà không phụ thuộc vào việc cơ quan tiến hành tố tụng có ban hành quyết định như phân công điều tra viên, kiểm soát viên, trưng cầu giám định… hay không.

Luật cũng nên quy định rõ ràng thời gian tối đa bao lâu phải lấy lời khai của bị hại, bị can. Lời khai phải đưa ngay vào hồ sơ không phụ thuộc vào việc có thẩm quyền hay không có thẩm quyền. Với những vụ việc rõ ràng, hành vi rõ ràng nên quy định thủ tục rút gọn tránh để thời gian tố tụng kéo dài gây bức xúc, mệt mỏi cho gia đình người bị hại. Bên cạnh đó cơ quan tiến hành tố tụng nên áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giam bị can để đảm bảo việc tố tụng cũng như việc thi hành án sau này.

Theo ông Phạm Đức Bảo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ bằng nhiều văn bản luật. Ở các nước phát triển, trẻ em được bảo vệ rất chặt chẽ, xâm phạm là bị xử lý rất nặng. Còn pháp luật của chúng ta có nhưng chưa đầy đủ cả về nội dung và hình thức, nghiêm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Ví dụ, Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt cao nhất dành cho tội hiếp dâm trẻ em dưới 7 tuổi là tử hình, hiện khung hình phạt này có thể nâng lên là áp dụng cả tội hiếp dâm trẻ từ 10 tuổi trở xuống. Mức khởi điểm cho tội danh này hiện còn thấp, chỉ một vài năm, cần phải tăng lên 15-30 năm.

Bên cạnh đó, ông Bảo cho rằng cần đề cao trách nhiệm của cơ quan tố tụng từ người xử lý tin báo tội phạm, điều tra để đưa ra kết luận, việc truy tố của viện kiểm soát nhân dân, rồi việc xét xử của tòa. Tất cả các khâu cần làm khẩn trương, chứ không để vụ án kéo dài hằng năm./.