Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Quảng Nam vừa có Văn bản gửi ông Trần Văn Liên và bà Nguyễn Thị Tám ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình liên quan đến khoản nợ vay ngân hàng.  Vì trước đó, ngư dân Trần Văn Liên khởi kiện doanh nghiệp đóng tàu và đơn vị cung cấp máy.

qn3_vov_ceoi.jpg
Con tàu của ngư dân Trần Văn Liên vẫn còn nằm trên đà.

Sau đó, doanh nghiệp đóng tàu lại có đơn kêu cứu và dọa sẽ kiện ông Liên vì không chịu nhận tàu. Đây có lẽ là trường hợp hy hữu trong hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ về “một số chính sách phát triển thủy sản”.

Văn bản của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Quảng Nam (BIDV Quảng Nam) do bà Vũ  Thị Tố Nga, Phó Giám đốc ký nêu rõ, thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngân hàng đã thực hiện cho ông Trần Văn Liên vay với tổng số tiền đã giải ngân gần 7,7 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tàu vỏ thép hình thành từ vốn vay mang số hiệu QNa 94679TS và toàn bộ máy móc, trang thiết bị trên tàu.

Theo BIDV Quảng Nam, trong suốt quá trình cho vay vốn, ngân hàng luôn đề nghị khách hàng phải thực hiện đúng cam kết và nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, ông Trần Văn Liên đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ trả nợ và hiện khoản vay đã chuyển sang nợ xấu làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Từ gia đình khá giả, vợ chồng ông Liên lâm nợ.

Theo Văn bản của BIDV Quảng Nam, ngoài số tiền gốc hơn 7,67 tỉ đồng, ông Liên còn nợ tiền gốc quá hạn 102 triệu đồng, nợ lãi quá hạn hơn 336 triệu đồng, phí trả chậm quá hạn hơn 480 triệu đồng.

Được biết, năm 2016, sau khi tàu của ông Liên được Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy đóng mới hoàn chỉnh, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á cung cấp máy chính, ông Liên vận hành chạy thử thì gặp sự cố.

Do các bên không đứng ra nhận trách nhiệm nên ông Trần Văn Liên khởi kiện ra tòa. Sau 3 năm theo đuổi vụ kiện, từ một gia đình khá giả làm nghề biển có tiếng ở địa phương, gia đình ông Liên lâm cảnh nợ nần, phải đi làm thuê kiếm sống nên không có khả năng trả nợ ngân hàng.

“Máy tàu đã hư nên từ đó đến nay, con trai tôi nhận giàn lưới về mình phụ làm kiếm ngày ít trăm ngàn chớ có cái nghề chi nữa mà làm. Nợ nần bữa ni chồng chất luôn”, ông Trần Văn Liên nói.

Văn bản của BIDV Chi nhánh Quảng Nam cũng nêu rõ là sẽ tiến hành khởi kiện ông Trần Văn Liên, khách hàng và bà Nguyễn Thị Tám (bên có nghĩa vụ liên quan) ra Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Nhưng ông Trần Văn Liên cho rằng để dẫn đến việc này lỗi không hoàn toàn thuộc về ông mà do vướng mắc vụ kiện tụng với Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Do đó, ông không thể lấy tàu về để đi biển. Ông Trần Quang Hổ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Nam cho rằng, phía Ngân hàng không đủ cơ sở để kiện ngư dân.

Vì theo Hợp đồng tín dụng giữa ông Trần Văn Liên với ngân hàng này, số tiền thỏa thuận cho vay là 14 tỷ 530 triệu đồng. Phía ngân hàng mới giải ngân hơn 7 tỷ 600 triệu đồng. Như vậy, phía Ngân hàng cũng chưa thực hiện đúng cam kết.

“Trường hợp này thì ngư dân có kiện ngân hàng hay không thôi chứ không phải ngân hàng kiện. Ông này kiện ngân hàng tại sao không giải ngân? Bởi vì theo lộ trình là cuối năm 2016 là phải giải ngân xong, nhưng mãi tới tháng 6 năm 2018 vẫn chưa giải ngân xong kia mà”, ông Hổ cho hay.

Để con tàu của ngư dân Trần Văn Liên cũng như một số tàu của ngư dân địa phương đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ không bị lãng phí nguồn vốn đầu tư, chính quyền xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cũng đã kiến nghị cấp thẩm quyền vận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho ngư dân cải hoán con tàu, chuyển đổi ngành nghề đánh bắt mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện đang “cấm cửa” không cho vay thêm vì chủ tàu không có tài sản thế chấp.

“Chức năng của xã thì cũng họp, xin ý kiến cấp trên cố gắng có khoản cho vay thêm, và hỗ trợ của các Công ty Bảo Duy, Liên Á để hỗ trợ một số vốn mà vừa rồi anh Liên bị thiệt hại để vươn khơi. Về phía địa phương làm tờ trình để có cơ chế chính sách nào đó để con tàu không bị phá sản mà vẫn tiếp tục vươn khơi để trả nợ từ từ”, ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết.

Đến nay, dư nợ cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ ở địa bàn tỉnh Quảng Nam khoảng hơn 700 tỷ đồng, nợ xấu chiếm gần 200 tỷ đồng. Trong đó, gần như toàn bộ “tàu 67” mà BIDV Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đều chuyển sang nợ xấu./.