Việc để xảy ra tình trạng tiêm thuốc an thần cho 3.750 con heo trước khi giết mổ nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ gây hậu quả không nhỏ đến người tiêu dùng. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Xử lý như thế nào những người tắc trách để xảy ra vụ việc trên? Đó là những băn khoăn của hàng triệu người dân sống tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung.

tiem_thuoc_an_than_cho_heo_uqda.jpg
Cảnh tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tối 28/9. Ảnh: C49 cung cấp.

Khi các lực lượng chức năng ập vào cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi đã bắt quả tang hai nhân viên bơm thuốc cho heo, nhiều lọ thuốc an thần, hàng chục chai nhựa giống bình truyền nước chứa dung dịch màu vàng bị thu giữ. Gần 4.000 con heo nằm la liệt tại các dãy chuồng sau khi bị tiêm thuốc an thần. Thế nhưng 17 cán bộ của Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh khi kiểm tra lâm sàng số heo này trước đó lại không phát hiện ra điều gì bất thường...

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, trách nhiệm của cơ quan thú y trong vụ này là rất lớn. Ở một lò mổ lớn nhất thành phố để xảy ra tình trạng này thì ở những lò mổ nhỏ lẻ khác cũng có thể xảy ra.

Bà Lan cho rằng, trong số heo bị tiêm thuốc an thần có rất nhiều con có đeo vòng truy xuất. Vì vậy, cần phải nghiêm túc đánh giá những lỗ hổng trong quy trình đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo xem có mang tính hình thức và bị thương lái lợi dụng hay không? Dẫu sao, cũng cần phải có sự chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đầy đủ những người liên quan.

Hiện nay, dư luận rất ủng hộ việc TP. Hồ Chí Minh tiêu hủy số heo bị tiêm thuốc an thần, tạm ngưng hoạt động của cơ sở giết mổ Xuyên Á, xử phạt, yêu cầu tạm ngưng và bêu tên 13 thương lái vi phạm… Tuy nhiên, vấn đề xử lý trách nhiệm của những người liên quan như thế nào?  

Theo bà Nguyễn Thị Tánh ở quận 5, một số lượng lớn heo ngủ li bì nhưng cán bộ kiểm tra không phát hiện ra chứng tỏ công tác quản lý, kiểm tra rất lỏng lẻo.

Còn chị Đào Thị Xuân Mai, ngụ Quận 3 thì bày tỏ: “Tôi muốn những người cán bộ đi kiểm tra heo phải làm cho gắt gao, phải kiểm tra thật tỉ mỉ, làm phải thật tâm của mình. Làm như vậy thì người dân mới tin tưởng được. Còn các trường hợp vi phạm cần có một hình phạt thích đáng, thật nặng nề để người ta không bao giờ tái phạm nữa”.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này đã đình chỉ 1 tổ trưởng và 2 tổ phó. Thế nhưng hiện nay, công việc đang tập trung cao nhất của chi cục vẫn là xử lý 3.750 con heo bị chích thuốc an thần vì hàng ngàn con heo bị lở mồm long móng, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao và gây ô nhiễm môi trường. Việc này còn mất khá nhiều thời gian nên các cán bộ thú y vẫn giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy.

Chi cục Thú y thành phố cũng đang cho rà soát các khâu để xem chỗ nào thiếu sót sẽ chấn chỉnh. Sau khi có kết luận từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan công an, nếu có cán bộ nào sai phạm, tiếp tay cho thương lái sẽ xử lý nghiêm và thông tin cho báo chí.

Ông Huỳnh Tấn Phát nói: “Hiện cảnh sát điều tra đang lấy lời khai của 13 cá nhân vi phạm, vẫn chưa chốt được hồ sơ đầy đủ. Chi cục sẽ phối hợp với cơ quan công an để xử lý và công bố rộng rãi. Tất cả đã làm kiểm điểm, kể cả lãnh đạo trạm, lãnh đạo chi cục”.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận việc tiêm thuốc an thần vào heo trước khi mổ chính là tội ác; đồng thời, sẽ buộc thôi việc những người của đơn vị nếu phát hiện sai phạm./.