Liên quan đến vụ tai biến y khoa đối với 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 7 người tử vong, các cơ quan ban ngành đã vào cuộc cùng tìm ra nguyên nhân và rút kinh nghiệm sâu sắc về vụ việc này.

7_nguoi_chay_than_chet_1_svbg.jpg
Các cơ quan ban ngành cần rút kinh nghiệm sâu sắc về vụ việc này.

Đến với “xóm chạy thận” ở con hẻm 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nơi các bệnh nhân (BN) đang phải từng ngày chống chọi với căn bệnh suy thận, những ngày này thông tin về tai biến y khoa ở Hòa Bình được mọi người quan tâm. Dù luôn chuẩn bị tâm lý “nằm trên giường bệnh như cá nằm trên thớt”, nhưng những BN tại đây vẫn không khỏi hoang mang trước sự cố nghiêm trọng này. Anh Mai Anh Tuấn, quê ở Ba Vì (Hà Nội), người đã 22 năm chạy thận tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết: “Hiện tượng BN có sốt khi chạy thận hầu như ca nào cũng có. Và thỉnh thoảng cũng có trường hợp bị sốc phản vệ, nhưng chúng tôi báo cho nhân viên, kỹ thuật đến kiểm tra ngay nên chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng”.

Là một trong những người trực tiếp điều trị và cấp cứu cho các BN sốc phản vệ, ThS. BS Hoàng Công Tình, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn chưa hết bàng hoàng và đau xót trong sự cố y khoa vừa qua. Trước sự cam chịu và những thể hiện thông cảm với người thầy thuốc của người nhà BN, thậm chí họ không nói một câu nặng lời càng khiến ông day dứt. Ông chia sẻ: “Các BN gắn bó với chúng tôi gần 10 năm, người ít nhất cũng 1 - 2 năm. Bởi vì gặp nhiều nên chúng tôi biết hết tên, tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình và đôi khi biết hết tính cách, tâm lý từng BN. Tôi có cảm giác như mất đi một cái gì đó rất là lớn mà không thể tả được”.

Ngày 30/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo Điều 242 Bộ luật Hình sự để điều tra nguyên nhân xảy ra tai biến nghiêm trọng khiến 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, Cty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn, đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành các thiết bị y tế tại BV này có thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO để phục vụ việc lọc máu chu kỳ cho BN suy thận. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo là cả một quy trình phức tạp, nhiều công đoạn nên ngoài hệ thống lọc nước RO, cũng có nhiều vấn đề cần được xem xét. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai chia sẻ: “Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tai biến khi chạy thận nhân tạo. Có thể do quá trình lọc máu với rất nhiều công đoạn từ máy móc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, xử lý nước và rất nhiều thuốc mà BN phải  dùng; rồi có thể do yếu tố con người, môi trường xung quanh”.

Sáng 31/5, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Y tế Hòa Bình về vụ tai biến y khoa nghiêm trọng xảy ra tại BV đa khoa tỉnh. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề cập việc thành lập Hội đồng chuyên môn phải có các chuyên gia đầu ngành để sớm tìm ra nguyên nhân vụ tai biến. Bộ trưởng cũng yêu cầu BV đa khoa tỉnh rà soát lại quy trình, phối hợp với cơ quan chức năng để sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc trên tinh thần khách quan, trung thực và cầu thị.

Báo TNVN đã phỏng vấn ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM). Bà cho biết: “Nguyên nhân vụ việc cần được công bố sớm, xem xét lại toàn bộ quy trình để làm sao không xảy ra những vụ việc tương tự. Trong việc này, tôi không tin vào sự rủi ro mà chắc chắn có vấn đề gì đó mới khiến đồng loạt các BN bị như vậy. Tôi phỏng đoán có nguyên nhân từ một cái gì đó mà các BN này dùng chung. Cho nên, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân càng sớm càng tốt để kịp thời ngăn chặn nó, kịp thời cải thiện tình hình chứ không để tái diễn”. Tai biến trong y khoa là điều không ai mong muốn. Bên cạnh câu chuyện trách nhiệm, thì sự cảm thông, sẻ chia của những người trong cuộc với nhau sau những mất mát, là điều đáng trân trọng. Sự việc cũng khiến chúng ta cần rút ra những kinh nghiệm xương máu, tránh những trường hợp đáng tiếc tái diễn./.