Hải Dương là một trong những tỉnh đầu tiên phát hiện dịch tả lợn châu Phi với nhiều diễn biến phức tạp. Để hạn chế thiệt hại cho đàn vật  nuôi, các lực lượng chức năng và người dân đang tích cực dập dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới.

hd1_vov_jrpl.jpg

Tất cả các con đường ra vào xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn đều có các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24h.

Ghi nhận của phóng viên VOV về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại “tâm” ở huyện Kinh Môn, tất cả các con đường dẫn vào xã Hiến Thành (huyện Kinh Môn, Hải Dương), nơi đầu tiên phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đều có các chốt kiểm tra, phun thuốc tiêu độc khử trùng các loại phương tiện. Lợn và các sản phẩm từ lợn bị cấm vận chuyển ra vào vùng dịch theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Vôi bột được rải khắp các ngã ba, ngã tư và tại các đầu mối giao thông vào các thôn, xóm.

Ông Trần Văn Lựu, một người dân thôn Huyền Tụng, xã Hiến Thành đang tham gia phun thuốc khử trùng dọc các tuyến đường xung quanh thôn An Thủy cho biết: "Tiêu khử từ hôm nọ đến nay vẫn đều ngày 2 bận, xã tổ chức thành từng đội một, thành các đội chốt và đội cơ động, làm cho từng chỗ một".

Việc phun phòng dịch trên các tuyến đường được thực hiện thường xuyên.

Tại gia đình ông Hoàng Văn Chinh, nơi ổ dịch đầu tiên được phát hiện, toàn bộ đàn lợn hơn 100 con đã được tiêu hủy theo quy định. Gia đình ông Chinh cũng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ thuốc sát khuẩn, vôi bột và cử lực lượng tham gia xử lý chuồng trại, tiêu độc khử trùng.

Hiện ở huyện Kinh Môn đã có 4 xã là Hiến Thành, Minh Hòa, Hiệp Sơn và Thị trấn Kinh Môn có ổ dịch tả lợn châu Phi. Để ngăn chặn dịch lan rộng, trên các tuyến đường ra vào các xã đều có chốt kiểm dịch, cán bộ thú y túc trực suốt ngày đêm. Với các địa phương khác, người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ đàn lợn trước nguy cơ dịch bệnh.

Ông Hoàng Văn Chinh, hộ chăn nuôi đầu tiên phát hiện ổ dịch tại xã Hiến Thành vệ sinh chuồng trại với hy vọng sớm tái đàn khi dịch tả lợn châu Phi đi qua.

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Tống Buồng, xã Thái Thịnh cho biết, dù chưa phát hiện có dịch tả lợn châu Phi, nhưng các con đường vào thôn đều được rắc vôi bột nhằm hạn chế vi rút lây lan; các hộ chăn nuôi cũng chủ động áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng chứ không chờ chính quyền hối thúc.

"Nhà có ít thì lo ít, có nhiều thì lo nhiều, mua vôi về rắc rồi phun thuốc để trừ các loại dịch, chuồng có sạch sẽ chăn nuôi mới được. Có loa truyền thanh khắp nơi các xã các thôn mọi người đều nghe thấy để xử lý, ai chăn nuôi để có kinh nghiệm mà phòng trừ", bà Lan lo lắng nói.

Thịt lợn vẫn được bày bán tại các chợ, tuy nhiên lượng mua có dấu hiệu giảm do có nhiều thông tin không chính xác về cơ chế lây lan của dịch bệnh.

Huyện Kinh Môn có tổng đàn lợn khoảng 51.000 con, đa phần là quy mô hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính vì vậy, từ trước đến nay ý thức của người chăn nuôi trong vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn còn kém.

Mặt khác, việc thiếu các chốt kiểm dịch động vật trên các tuyến giao thông quan trọng cũng khiến cho việc kiểm soát vận chuyển lợn và thịt lợn từ địa phương này sang địa phương khác bị buông lỏng dẫn đến khả năng lây nhiễm dịch bệnh cao.

Do đó, cùng với làm tốt công tác kiểm dịch thì việc nâng cao ý thức của người dân để các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng chống dịch chính là yếu tố quan trọng nhằm nhanh chóng khống chế dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn./.