Câu chuyện của những giáo viên đang hàng ngày “đem con chữ” tới vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Cô giáo sửa xe máy giỏi hơn thợ sửa xe
Hơn 6 năm kể từ khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc và gắn bó với trường THCS Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn (Sơn La), cô giáo Phạm Thị Giang vẫn không quên những ngày đầu tiên “bám bản”. Mới ra trường và được đứng trên bục giảng, cô giáo trẻ rất háo hức, thế nhưng vẫn không khỏi ái ngại, lo lắng khi nhìn cảnh lớp học lúc nào cũng đìu hiu vắng trò. Thế nhưng, việc tiếp cận học sinh cũng không dễ như cô tưởng.
Cô Giang vẫn nhớ như in lần đầu tiên đi xe máy đi vào bản để đèo học sinh tới lớp. Lúc đi nắng ráo, lúc về trời đổ mưa, đường sình lầy. Chiếc xe dù có phanh vẫn lao xuống dốc, hất văng cả cô và trò vào bụi rậm ven đường khiến cơ thể trầy xước, đau ê ẩm. Cô bé học sinh lớp 7 người Thái dìu cô dậy, đẩy xe giúp cô trở lại nhà và nói: “Lần sau nếu vào bản vào mùa mưa cô nhớ đi bộ nhé”. Cô Giang nghĩ, nếu đi bộ cả chục cây số thế này thì mất cả ngày trời, nên sau đó cô đã “sáng tạo” bằng cách lấy hai chiếc xích xe đạp buộc so le vào lốp xe máy, tạo ma sát khi đi trên đường trơn trượt.
“Sáng kiến” này nhanh chóng được cô và các đồng nghiệp áp dụng, kèm theo đó, trong cốp xe bao giờ cô Giang cũng có một bộ đồ nghề sửa xe. Cô Giang đùa: “Các cô giáo ở vùng núi như chúng tôi còn giỏi hơn các thợ sửa xe chính hiệu cơ đấy, bởi một thân một mình, xe hỏng dọc đường thì phải tự xoay thôi. Bài học đầu tiên trong nghề giáo đã giúp tôi thêm nghề mới đó”.
Giờ đây, mỗi sáng sớm và tối, cô Giang đều đặn đến từng phòng trọ của các em học sinh để hướng dẫn các em ôn bài, làm vệ sinh cá nhân, căn dặn các em tránh xa tệ nạn. Cứ thế, đều đặn cô lại sử dụng chiếc xe máy có bánh được buộc bằng xích xe đạp đèo các em về nhà vào mỗi chiều thứ 6, rồi chiều chủ nhật, cô trò lại khăn gói trở về trường giúp các em học chữ.
“Được điểm 7 đã là thần đồng”
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, cô Trần Thị Vân – Trưởng phòng Giáo dục – đào tạo huyện Bắc Ái (Ninh Thuận) chia sẻ, giáo dục Bắc Ái có thể nói là “vũng trũng” nhất của Ninh Thuận. Đa số học sinh ở đây là người dân tộc Raglai. Ngoài việc lên lớp, hầu như các em phải lên rẫy giúp đỡ bố mẹ. Chuyện học sinh bỏ học hầu như không có, nhưng học sinh nghỉ học thì như “cơm bữa”.
“Các em nói rằng phải ở nhà vài hôm để giúp bố mẹ thu hoạch mùa màng. Thầy cô không cho nghỉ thì các em cũng cứ nghỉ học. Nghỉ miết có khi quên cả đi học trở lại, nên các thầy cô lại lặn lội về nhà từng em để vận động các em quay trở lại lớp. Ngành giáo dục Bắc Ái cũng rất trăn trở việc phổ cập kiến thức cho các em, nhưng trẻ luân phiên nhau nghỉ học như thế nên chúng tôi phải tăng cường kèm cặp, bổ sung kiến thức còn hổng cho các em để các em không thấy nản khi đến trường. Còn giải quyết triệt để chuyện học sinh nghỉ học thì ngành chưa biết cách gì. Dù chúng tôi rất trăn trở nhưng quản lý ở địa bàn khó khăn thì không thể nóng vội được” – cô Vân nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục tại Bắc Ái cho biết, mỗi lần “xuống phố” đi họp, các cán bộ ở Sở Giáo dục – đào tạo Ninh Thuận thường kêu “chất lượng giáo dục ở Bắc Ái tỷ lệ đầu ra các cấp thấp”. Cô Vân tâm tư: “Học sinh ở Bắc Ái thầy dạy cho chữ nào thì biết chữ đó, có khi còn rơi vãi hết trên nương rẫy; trong khi ở vùng thuận thì có ba mẹ kèm cặp, thầy cô dạy dỗ trên lớp, rồi học thêm, dạy phụ đạo… Vì thế khi các em thi cùng một đề thì làm sao học sinh ở đây điểm bằng các bạn vùng khác được. Và tôi vẫn từng nói với các lãnh đạo Sở rằng học sinh Bắc Ái được điểm 7 môn Văn đã là “ngon” lắm rồi, là “thần đồng xuất sắc” đó!”.
Trăn trở của cô Trần Thị Vân cũng là nỗi niềm của những giáo viên vùng sâu, vùng xa. Cô cho rằng: “Kêu thì vẫn phải kêu nhưng mình phải tự cứu mình. Bản thân mỗi thầy cô nơi đây nhận thức rằng, làm thế nào để trò thích thầy cô thì trò sẽ tới lớp”.
“Thưởng kẹo” để giữ chân học trò
Với cô giáo Trần Thị Hiền, giáo viên môn Thể dục, trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Nâm Nung, Đắk Nông, niềm vui của cô là được dạy các em học sinh ở đây những giờ ngoại khóa, hoạt động thể dục thể thao. Cô Hiền chia sẻ: “Đặc thù của học sinh người dân tộc thiểu số ở đây là thích các hoạt động ngoài trời, yêu thích vận động. Có thể các em tiếp thu kiến thức trên lớp chậm, nhưng lại rất năng nổ, nhiệt tình khi tham gia các tiết thể dục, thể thao hay âm nhạc. Vì thế học thể dục giúp các em yêu các môn học khác hơn, thích thú hơn khi đến trường”.
Cô Trần Thị Hiền tâm tư: “Cứ vào mùa thu hoạch cà phê thì các lớp học lại vắng hoe, vì các em tuy nhỏ tuổi nhưng vẫn phải ở nhà phụ giúp gia đình. Để kéo các em trở lại lớp, không còn cách nào khác, các thầy cô phải lặn lội gõ cửa từng gia đình để vận động các em trở lại trường cho kịp với chương trình”.
Cô Hiền mở tủ lấy ra mấy túi kẹo và khoe: “Lúc nào chúng tôi cũng trữ kẹo để phát cho các em những giờ ra chơi hay cuối mỗi buổi học. Các thầy cô cũng đóng góp thêm tiền để mua sách sở, bút, thước kẻ, quà bánh để tặng cho những em có thành tích tốt trong học tập. Tất cả là để duy trì sĩ số lớp ở mức cao nhất”.
Cô Trần Thị Thơm, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ thêm, ở đây, khi chấm điểm, các cô “không quan tâm” nhiều đến chữ viết hay cách trình bày mà chấm theo đáp án của các em. Đó cũng là cách động viên, khích lệ các em nhỏ yêu cô, bám lớp./.