Sau gần 1 tháng triển khai Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đánh giá học sinh tiểu học thường xuyên bằng nhận xét thay cho chấm điểm, các trường tiểu học đã thực hiện nghiêm túc việc đánh giá học sinh. Tại thành phố Đà Nẵng, bước đầu triển khai Thông tư này đã phát sinh nhiều bất cập, gây quá tải cho giáo viên, còn các bậc phụ huynh thì lo lắng.
Gần một tháng nay, tuần nào ông Trần Khắc Xin ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cũng vài lần liên lạc với giáo viên chủ nhiệm của con mình để hỏi thăm tình hình học tập. Từ ngày nhà trường đánh giá học sinh tiểu học thường xuyên bằng nhận xét thay cho chấm điểm, việc học của con trai ông bớt căng thẳng hơn, nhưng gia đình lại khó kiểm tra kết quả học tập của cháu.
Ông Xin cho rằng: “Nhận xét của cô giáo còn mang tính chung chung. Phụ huynh luôn muốn biết con mình học như thế nào, mà cô chỉ nhận xét chung chung, thế nên phụ huynh phải dùng điện thoại gọi cho cô giáo, mà cô lại không có thời gian. Không cho các cháu áp lực việc học, nhưng cho điểm vẫn sẽ chuẩn xác hơn. Từ trước chúng ta đã làm như vậy thì không nên thay đổi. Dĩ nhiên thay đổi để cho tốt hơn là việc đáng làm nhưng phải phù hợp”.
Nỗi lo của ông Trần Khắc Xin cũng là nỗi lo của phần lớn phụ huynh có con học tiểu học. Nhiều người thường xuyên liên lạc với giáo viên qua điện thoại để nắm tình hình học tập của con em mình. Từ đó, áp lực ngày càng tăng với các thầy, cô giáo.
Cô giáo Trần Thị Thùy Trâm, dạy lớp 4 ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng tâm sự: Chương trình học ở bậc tiểu học quá nặng, nay lại thêm việc nhận xét, đánh giá học sinh mất rất nhiều thời gian. Để đánh giá sát đúng với từng học sinh, các cô phải theo dõi sát sao mọi hoạt động của các em. Ngoài giờ lên lớp thay vì soạn giáo án, tập trung nghiên cứu, nâng cao chuyên môn, thì nay các cô phải dành nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét, đánh giá học sinh. Cô Thùy Trâm lo lắng, nếu tình trạng này kéo dài, chất lượng dạy và học của cả giáo viên lẫn hoc sinh đều sụt giảm.
“Với cách nhận xét, không ghi điểm, học sinh sẽ không biết khả năng mình đến đâu, chỉ hoàn thành là được lên lớp; rồi những môn tính điểm vào cuối kỳ 1 và cuối năm như Toán, Tiếng Việt, em 5 điểm cũng như 10 điểm, chất lượng sẽ càng ngày càng đi xuống. Đánh giá từng mặt, không xếp loại học sinh như trước đây, giáo viên công tâm thì không nói, nhưng mà tiêu cực thì cũng không ai quản lý được” – cô Trâm nói.
Triển khai thực hiện theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục, khối lượng công việc của các thầy cô giáo tiểu học tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với trước. Một cô giáo dạy môn mỹ thuật tâm sự: Mỗi tháng giáo viên phải nhận xét học sinh một lần. Với 23 lớp phụ trách, tháng nào cô cũng phải nhận xét hơn 1.000 học sinh. Nhiều lúc cũng phải “phóng phóng” ghi cho hoàn thành.
Thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Văn Ơn cho biết: Qua gần 1 tháng triển khai đánh giá học sinh tiểu học thường xuyên bằng nhận xét thay cho chấm điểm, giáo viên đứng lớp bị quá tải trong khi chất lượng học sinh đang có chiều giảm sút. Theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có 2 hình thức nhận xét học sinh có thể bằng lời hoặc bằng chữ viết. Thầy giáo Đặng Nhứt cho rằng, dù cách nào đi nữa thì Ban Giám hiệu nhà trường cũng khó quản lý việc nhận xét, đánh giá của giáo viên.
Tinh thần Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giảm áp lực về điểm số cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, cách làm này đang bộc lộ nhiều bất cập. Nếu không được điều chỉnh kịp thời thì cách đánh giá học sinh bằng nhận xét thay cho chấm điểm sẽ là gánh nặng cho giáo viên và phụ huynh học sinh./.