Sáng 12/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Diễn đàn về một số nội dung liên quan đến trẻ em trong Luật Ngân sách nhà nước và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, hiện nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như nhiều chính sách liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, đối với Luật Ngân sách nhà nước, các ý kiến nhận định, còn nhiều bất cập trong quy định về quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách để bảo đảm quyền trẻ em.

tre_em_1_mdvw.jpg
Bà Đặng Ngọc Dung tư vấn Tư vấn độc lập về quản lý tài chính công (Ảnh: Nguyên Nhung)
Bà Đặng Ngọc Dung, Tư vấn độc lập về quản lý tài chính công nhấn mạnh, trong thời gian tới, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) cần có những quy định hợp lý hơn về phân bổ ngân sách: “Việt Nam nên thực hiện lập kế hoạch và phân bổ ngân sách dựa trên kết quả đầu ra. Nên có các quy định trong luật, các hướng dẫn và phương pháp luận cụ thể để giúp các cán bộ có thể ưu tiên việc thực hiện quyền trẻ em trong quy trình lập kế hoạch và phân bổ ngân sách. Định mức chi thường xuyên nên phân bổ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và nhu cầu của địa phương như quy mô dân số, tiếp cận địa lý, tỷ lệ hộ nghèo, hay là dân tộc thiểu số”.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn (Ảnh: Nguyên Nhung)
Đối với Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9), các chuyên gia cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật có tác động đến tất cả các nhóm dân cư, trong đó có trẻ em. Một số chuyên gia đề nghị, việc phân cấp từ trên xuống, kể cả các chương trình mục tiêu quốc gia cho trẻ em sẽ dẫn đến không sát với thực tế địa phương, dẫn tới kém hiệu quả. Vì vậy Luật tổ chức chính quyền địa phương cần có những quy định thực tế hơn, phân cấp, phân quyền một cách đồng bộ, hợp lý, tránh sự manh mún, vênh nhau giữa phân quyền về chính trị, hành chính, kinh tế. Có như vậy, trong các lĩnh vực liên quan đến trẻ em, những vấn đề có thể giải quyết ngay tại cơ sở như xã, phường sẽ không bị chậm trễ./.