Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra ở hầu khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL. Đáng nói, diễn biến sạt lở ngày càng bất thường, tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra ở mùa mưa mà ngay trong mùa khô cũng rất phức tạp. Những năm gần đây, cường độ sạt lở ngày càng tăng, mức độ thiệt hại ngày càng lớn. Người dân sống trong vùng sạt lở lo sợ chờ giải pháp, còn cơ quan chức năng các địa phương cũng “đứng ngồi không yên”.
Căn nhà của gia đình ông Diệp Thanh Hùng (Hai Hùng, ở ấp Bõ Hữu, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, Cà Mau) chỉ còn cách bờ chừng 10m. Trong khu dân cư Bõ Hữu ở cửa biển Bồ Đề này có gần 80 hộ dân sinh sống. Trước đây, bên ngoài nhà ông Hai Hùng còn mấy căn nhà nữa nhưng do sạt lở họ đã rời đi hết. Đứng chỉ tay về những mảng bê tông là dấu tích còn xót lại của những căn nhà cấp 4, ông Hai Hùng cho biết, hồi trước bên ngoài còn có Đồn Biên phòng nhưng đã bị sóng biển cuốn mất. Những mảng bê tông này rồi cũng vậy và căn nhà ông đang ở sẽ chung số phận.Vừa qua, nước dâng cao, sóng lớn đã nhăm nhe đến căn nhà, ông Hai Hùng đã tính đến việc di dời nhưng không có nơi để đi. Ông dự tính sẽ mang những đồ dùng sinh hoạt vào gửi nhà người thân rồi tính tiếp. Ông Hùng rất lo lắng vì mùa mưa bão đã đến, gia đình ông có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của sạt lở bất kỳ lúc nào.
Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 250 km đường bờ biển. Trước đây, theo quy luật tự nhiên biển cứ lở rồi lại bồi. Tuy nhiên, nhiều năm nay, hầu hết chiều dài đường bờ biển của tỉnh chỉ lở, không bồi. Hiện 80% đường bờ biển của “Vùng đất cuối trời” bị sạt lở mất khoảng 20m/năm, cá biệt có nơi sạt lở mất 50 mét/năm. Thực trạng sạt lở bờ biển cũng diễn ra ở 7/7 tỉnh có đường bờ biển của vùng ĐBSCL. Toàn vùng có chiều dài đường bờ biển khoảng 700 km, kéo dài từ Tiền Giang đến Kiên Giang, nhiều nơi bị sạt lở, “biển bạc” ngày đêm lấn chiếm “rừng vàng”. Như tại tỉnh Bến Tre có 60 km đường bờ biển thì 1/3 đường bờ biển đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sạt lở.
Thực trạng sạt lở ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL nan giải là vậy, còn các tỉnh nằm trong lõi của vùng người dân cũng đang “đứng ngồi không yên” do sạt lở bờ sông. Gia đình ông Phan Thanh Sơn (ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã ở đây mấy chục năm. Hồi trước, nhà ông cách bờ sông vài chục mét. Mấy năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp, phần đất hành lang ven sông bị mất hết, con đường trước nhà ông cũng đã nằm lại dưới sông. Đến nay, sạt lở đã ăn vào phần đất có trong "sổ đỏ" của gia đình, bờ sông cũng chỉ còn cách nhà ông vài bước chân. Căn nhà cấp 4 gia đình ông Sơn tằn tiện để tạo dựng nay đã xuất hiện những vết nứt, cứ đà này chẳng bao lâu sẽ bị “hà bá nuốt chửng”. Hiện gia đình ông Sơn không dám ở nhà, đồ đạc đã di dời đi và công việc buôn bán nhỏ của gia đình cũng gián đoạn.
Thống kê của ngành chức năng TP Cần Thơ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, địa phương ghi nhận 27 điểm sạt lở, ước thiệt hại hơn 16 tỷ đồng. Đáng nói, nếu như trước đây sạt lở thường xảy ra mỗi khi mùa mưa đến thì nay diễn ra phức tạp ngay trong mùa khô. Như vụ sạt lở nghiêm trọng kè chống sạt lở bờ sông Ô Môn (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) xảy ra vào đầu tháng 4, ngay cao điểm mùa khô. Sạt lở còn diễn ra nghiêm trọng hơn ở tỉnh An Giang, khi vào đầu tháng 1 năm nay, liên tiếp 2 vụ sạt lở, rạn nứt bờ sông xảy ra trên QL 91, đoạn qua ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú).
Theo Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 15 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh rạch. Diễn biến sạt lở trên địa bàn có tầng suất ngày càng nhiều, bất kể mùa khô hay mùa mưa, mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng và thiệt hại ngày càng lớn. Cũng trên tuyến Quốc lộ 91, đoạn qua ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) vào ngày 27/5 vừa qua, một đoạn đoạn đường dài hơn 40m đã bị sạt xuống sông Hậu, đe dọa đến 81 hộ dân, 27 hộ phải di dời khẩn cấp. Những hộ dân sống trong những “điểm nóng” sạt lở này luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Ông Nguyễn Văn Bờ, người dân sống trong khu vực cho biết, sạt lở có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bà con nơi đây “như ngồi trên lửa” để chờ giải pháp từ cơ quan chức năng.
"Người dân bây giờ rất hoang mang, tới bây giờ vẫn còn lo sợ. Ở huyện, tỉnh có lên phương án sẽ di dời bà con trong khu sạt lở này nhưng hôm nay vẫn chưa thấy gì"- ông Nguyễn Văn Bờ nói.Nếu như những năm trước sạt lở ở vùng ĐBSCL chỉ xảy ra ở những đoạn sông lớn thì nay sạt lở xảy ra liên tiếp ở cả những sông, kênh rạch nhỏ. Tại tỉnh Tiền Giang, trước đây, các vụ sạt lở thường xảy ra ven theo sông Tiền thì mấy năm qua, nhiều đoạn sạt lở xảy ra ven các tuyến kênh rạch trong các cồn, cù lao. Nhiều vụ sạt lở mới xảy ra trên tuyến kênh 28 (huyện Cái Bè), sông Rạch Gầm, Phú Phong (huyện Châu Thành), sông Ba Rài, (huyện Cai Lậy) đã được ghi nhận với quy mô ngày càng lớn. Tại đầu cù lao Ngũ Hiệp - một “điểm nóng” sạt lở của huyện Cai Lậy, người dân địa phương tích cực tự gia cố bờ sông nhưng sạt lở vẫn thường xuyên tái diễn. Ông Nguyễn Duy Khương, người dân xã Ngũ Hiệp cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép khu vực gần bờ chưa được ngăn chặn; đồng thời vừa qua nước mặn xâm nhập sâu làm cho những đám lục bình ven bờ bị chết hoàn toàn nên khả năng chắn sóng giảm, dẫn đến sạt lở nhiều hơn. Thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại vùng ĐBSCL vốn đã rất nan giải thời gian qua. Hiện nay, tình hình diễn biến có phần phức tạp hơn với tầng suất xảy ra sạt lở nhiều hơn, mức độ thiệt hại nghiêm trọng hơn. Sạt lở xảy ra quanh năm đã và vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản, sinh kế của người dân./.