Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trong Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh đối với kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử như là Uber, Grab, Bộ GTVT đã bổ sung các điều kiện cần thiết để quản lý. Trong đó quy định bắt bụộc về điều kiện kinh doanh của Uber và Grab tới đây sẽ gần như taxi truyền thống, phải niêm yết đầy đủ thông tin ở 2 cửa xe, dán logo, phù hiệu của Sở GTVT.

ub2_strw.jpg
Quy định về điều kiện kinh doanh của Uber và Grab tới đây sẽ gần với taxi truyền thống

Uber, Grab hết một mình một sân

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ GTVT đã bổ sung vào dự thảo nghị định điều kiện kinh doanh đối với việc kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử thông qua các phần mềm mà tiêu biểu là Uber, Grab.

Uber và Grab tới đây muốn hoạt động phải niêm yết đầy đủ thông tin ở 2 cửa xe, dán logo, phù hiệu của Sở GTVT.

Trong đó, dự thảo quy định nhiều điều kiện cụ thể của cả đơn vị cung cấp ứng dụng hợp đồng điện tử lẫn đơn vị vận tải sử dụng hợp đồng điện tử để đảm bảo gần với các điều kiện của taxi truyền thống, theo hướng bỏ bớt ràng buộc với taxi, nhưng thêm các điều kiện với xe hợp đồng và hợp đồng điện tử như: Phải niêm yết đầy đủ thông tin ở 2 cửa xe, dán logo, phù hiệu của Sở GTVT.

"Bộ GTVT đã công nhận hợp đồng vận tải điện tử là hợp pháp. Theo dự thảo nghị định, quy định hợp đồng vận tải điện tử là việc ứng dụng phần mềm trên nền tảng website hoặc ứng dụng di động, ứng dụng mở khác để thực hiện việc kết nối cung cấp dịch vụ vận chuyển giữa doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa với người thuê vận tải”, ông Ngọc cho biết.

Đối với các đơn vị cung cấp phần mềm, theo ông Ngọc, phải được cấp giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phù hợp, trong đó có ngành nghề phù hợp để hoạt động về thương mại điện tử và phải được Bộ Công thương xác nhận.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các điều kiện để quản lý Uber và Grab như dự thảo Nghị định đưa ra đã đầy đủ, chặt chẽ.

Đặc biệt, thay vì thỏa thuận hợp tác như hiện nay, đơn vị cung cấp phần mềm cũng phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải với các điều khoản cụ thể. Hãng cũng phải có logo của đơn vị với kích thước tối thiểu 90mm x 80mm. Logo này được cung cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải để niêm yết trên kính phía trước và kính phía sau xe thay vì chưa bắt buộc như hiện nay.

Lẽ ra nên làm sớm hơn

Theo Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, các điều kiện để quản lý Uber và Grab như dự thảo Nghị định đưa ra đã đầy đủ, chặt chẽ.

“Vấn đề quan trọng là hiệu quả thực thi trong thực tế và cần có cơ quan giám sát thực hiện quy định này”, ông Liên nói.

Nhiều quy định tại Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô sẽ “cởi trói” kinh doanh vận tải taxi truyền thống hơn.

Theo ông Liên, trong quá trình thí điểm đã có một số tồn tại. Trong đó, theo quy định, các đối tác của Uber, Grab là các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, vì vậy, họ phải là người tổ chức, quản lý phương tiện, người lái, chịu trách nhiệm cung ứng cho đối tác Uber, Grab chứ không phải đơn vị cung cấp phần mềm được quản lý phương tiện, người lái.

“Ở đây cần coi phần mềm Uber, Grab là môi giới trung gian kết nối giữa chủ hàng và chủ xe. Trong đó, chủ xe quản lý con người, phương tiện, chủ hàng cung cấp hàng hóa và thanh toán đầy đủ”, ông Liên phân tích.

Đối với vấn đề thu thuế Uber và Grab, ông Liên cho rằng, đây là vấn đề Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm, không nên đưa vào dự thảo nghị định.

Còn ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu taxi Đất Cảng cho rằng, quy định hiện nay, Uber, Grab đang cho kết nối không phép các chủ xe là cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có biển hiệu, phù hiệu... là sai nhưng chưa được xử lý. Vấn đề này, Uber, Grab cũng phải chịu trách nhiệm.

“Trong quá trình thí điểm có những điều được và chưa được nhưng khi đã hoạt động chính thức, anh vi phạm điều kiện cơ quan quản lý đưa ra thì phải xử lý nghiêm”, ông Hải khẳng định.

Theo chuyên gia vận tải PGS.TS. Từ Sỹ Sùa, cần có cái nhìn đa chiều để quản lý Uber, Grab đảm bảo hài hòa 3 lợi ích là hành khách, doanh nghiệp và Nhà nước thông qua các vấn đề về thuế, chấp hành các quy định pháp luật của nước sở tại.

“Khi anh kinh doanh trong lĩnh vực nào, phải chấp hành điều kiện kinh doanh của lĩnh vực đó. Tòa án Công lý châu Âu đã phán quyết Uber là taxi nên tại Việt Nam không thể nói tôi chỉ cung cấp phần mềm kết nối và không phải là taxi. Điều quan trọng, Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa các loại hình”, TS. Sùa khẳng định.

Còn nhớ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết ngành Tài chính đã nói rằng “cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới, mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook…., đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế cho nhà nước. Hơn nữa còn là quản lý Nhà nước được tốt hơn"./.

Tòa Công lý châu Âu (ECJ) của Liên minh châu Âu (EU) mới đây ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường thay vì là một ứng dụng công nghệ, do đó phải tuân thủ các quy định tương tự như một hãng taxi thông thường tại EU.

Trong phán quyết của mình, ECJ có trụ sở ở Luxembourg nhấn mạnh dịch vụ do Uber cung cấp, theo đó kết nối các cá nhân với các tài xế không chuyên, "vốn đã liên quan tới dịch vụ vận tải" và vì thế phải được phân loại là "một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải" trong khuôn khổ luật pháp của EU. Do đó, các nước thành viên có thể quy định các điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ này.

Thanh tra Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đã hoàn thành kết luận thanh tra hoạt động chấp hành nghĩa vụ thuế của Grab và Uber và công bố vào giữa tháng 10/2017. Theo đó, Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2/2014, có vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng đến nay đã lỗ lũy kế 938,2 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo của Grab, tổng doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỷ đồng. Số thuế mà Grab đã kê khai và nộp là hơn 9,6 tỷ đồng.

Trả lời báo chí, ông Đặng Duy Khanh, Phó Vụ trưởng Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, tổng doanh thu của Uber Việt Nam các năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng. Phía Uber đã chủ động kê khai và nộp thuế là gần 76,9 tỷ đồng.

Tuy vậy, theo ông, qua quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thu xấp xỉ 66,7 tỷ đồng. Đây là khoản được đại diện ngành thuế giải thích là Uber phải chịu trách nhiệm kê khai phần chia lại cho lái xe nhưng chưa thực hiện trước đó.