Hãng cung cấp dịch vụ xe đi chung nổi tiếng thế giới Uber tiếp tục đối mặt với một nguy cơ mới, khi Tòa Công lý châu Âu (ECJ) của Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (20/12), ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường, thay là một ứng dụng công nghệ, do đó phải tuân thủ các quy định tương tự như một hãng taxi thông thường tại Liên minh châu Âu. Dư luận lập tức có những phản ứng khác nhau về phán quyết của Tòa Công lý châu Âu.
Trong phán quyết của mình, Tòa Công lý châu Âu có trụ sở ở Luxembourg nhấn mạnh, dịch vụ do Uber cung cấp có sự kết nối các cá nhân với các tài xế không chuyên, “vốn đã liên quan tới dịch vụ vận tải” và vì thế phải được phân loại là "một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải" trong khuôn khổ luật pháp của Liên minh châu Âu. Do đó, các nước thành viên có thể quy định các điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ này.
Sự hiện diện của Uber từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi và làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình ở nhiều thành phố trên thế giới. (Ảnh: Internet) |
Anh Rohan Silva, một kỹ sư công nghệ cho biết, hàng triệu người đang sử dụng các ứng dụng đi lại hàng ngày, không chỉ Uber mà còn cả các ứng dụng khác. “Những ứng dụng này mang lại hiệu quả thực sự, nó làm cho việc đi lại rẻ hơn, dễ dàng hơn và thuận lợi hơn tại các thành phố”, anh Rohan Silva nhận xét.
Trong khi đó, những người phản đối hoạt động của Uber thì hoan nghênh phán quyết. Giáo sư Andre Spicer, thuộc trường thương mại Cass của Anh cho rằng, phán quyết này sẽ giúp hoạt động cạnh tranh giữa các hãng taxi trở lại bình thường, thời gian tới thị trường có thể thấy nhiều ứng dụng thông minh khác sẽ xuất hiện.
Về phần mình, trong phản ứng đầu tiên, Uber khẳng định phán quyết của Tòa Công lý châu Âu không làm tình hình thực tế thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, Uber cũng cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với các thành phố trên khắp châu Âu để được triển khai dịch vụ của mình.
Trái với Uber, giới phân tích thì cho rằng, phán quyết của Tòa Công lý châu Âu sẽ tác động không nhỏ tới cách thức mà Uber hoạt động trong tương lai, cũng như cách thức mà công ty này phải hợp tác với chính phủ các quốc gia trên thế giới.
Đây được xem là một đòn giáng mạnh đến hoạt động của Uber trên khắp thế giới nói chung và Liên minh châu Âu nói riêng, khi Chính phủ các nước giờ đây có thể quản lý các dịch vụ như Uber tương tự các công ty vận tải thông thường.
Sự hiện diện của Uber trên khắp thế giới từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi và làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình ở nhiều thành phố trên thế giới. Uber, được thành lập vào năm 2009 tại bang California, Mỹ, là hãng chuyên cung cấp dịch vụ xe đi chung cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống.
Kể từ khi đi vào hoạt động, Uber đã mở rộng dịch vụ của mình tới hơn 600 thành phố tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới, mang tới nhiều lựa chọn mới cho cả người dùng và người lái. Tuy nhiên, hãng cũng đối mặt với nhiều phản đối từ các doanh nghiệp taxi vì cho rằng hình thức này không tuân thủ các quy tắc của taxi truyền thống./.
Cuộc chiến taxi: Đến lúc quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống?