Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận vừa đồng chủ trì buổi làm việc giữa Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục-Đào tạo về một số nội dung liên quan đến công tác tài chính đầu tư cho giáo dục đào tạo và bàn các giải pháp đầu tư hiệu quả cho phát triển giáo dục đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu phải ưu tiên hóa các mục tiêu để tránh chi dàn trải (Ảnh minh họa/KT) |
Tại buổi làm việc, Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra một số đề xuất về đổi mới cơ chế chính sách phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo; các nội dung và nguồn lực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện; phương án phân bổ kinh phí đầu tư cho các trường trọng điểm, trường mới thành lập và các trường ở các địa phương khó khăn; đề xuất các dự án ODA cho giai đoạn tới; phối hợp trong xây dựng các chế độ chính sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, chất lượng giáo dục hiện nay cần phải có bước đổi mới mang tính đột phá; phải tuyệt đối tuân thủ quy định về chi 20% ngân sách cho giáo dục đào tạo; cần có sự đổi mới về cách tính phí cho người học, xây dựng lộ trình cụ thể cho các nội dung cải cách; cần khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ gây lãng phí cho xã hội.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, ngành giáo dục đào tạo cần có sự chủ động cơ cấu lại nguồn chi cho ngành để tăng thu nhập cho giáo viên nhằm đạt mục tiêu chi phí thấp nhất nhưng chất lượng công tác giáo dục đào tạo tốt hơn, hướng tới mục tiêu đề ra như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XNCN và hội nhập quốc tế…./.