GS.TSKH, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã được trực tiếp làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1981 cho đến năm 2004, khi nước nhà thành lập Hội Cựu Giáo chức Việt Nam cũng như những năm sau đó.

Những lần làm việc với Đại tướng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và củng cố thêm những điều mà GS Phạm Minh Hạc đã được nghe và đọc về Đại tướng. Đó là vị tướng không chỉ tài giỏi, am hiểu về lĩnh vực quân sự, lịch sử, giáo dục… mà  còn là người làm việc gì cũng có nguyên tắc, nghiêm túc và tận tụy hết mình. Tuy nhiên, đằng sau sự cứng rắn đó là một con người rất đời thường và tình cảm.

tuong-giap-va-gs-hac.jpg
GS. TSKH, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2004)

 

May mắn đối với GS Phạm Minh Hạc là được cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những chuyến đi công tác dài ngày đến TP HCM, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những chuyến đi này, sau bữa cơm tối, Đại tướng thường gọi GS Phạm Minh Hạc đến phòng để trao đổi một số công việc, thậm chí là kể về những câu chuyện đời thường rất thân mật, bình dị như người thân trong gia đình.

Có lần, GS Phạm Minh Hạc được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đến nhà trao đổi một số việc. Ấn tượng nhất đối với ông khi bước vào căn phòng làm việc của Đại tướng là trên tường có treo những tấm ảnh đầu tiên mà Đại tướng được chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bức ảnh Đại tướng đang cùng với một số đồng chí trong quân đội nghiên cứu tiến hành những trận đánh lớn.

Qua những lời kể của Đại tướng về những bức ảnh, GS Phạm Minh Hạc nhận thấy ở vị tướng tài ba là một con người tận tụy hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đặc biệt là tình cảm sâu sắc, sự gắn bó của Đại tướng với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói, vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc, trung thành tuyệt đối với tư tưởng, đường lối, đạo đức cách mạng  của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người Đại tướng với những tư tưởng cải cách giáo dục đột phá

Không chỉ là một nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người thầy giáo có hiểu biết về giáo dục rất uyên bác.

Từ năm 1990, GS Phạm Minh Hạc được Chính phủ cử làm Chủ tịch Ủy ban Phổ cập giáo dục Tiểu học nên ông phải nghiên cứu kỹ về phong trào truyền bá quốc ngữ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là một trong những nhân vật lãnh đạo phong trào truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam từ năm 1938. Khi được sự hướng dẫn tận tình của Đại tướng, GS Minh Hạc đã hiểu kỹ hơn vì sao lại có phong trào này và sự ảnh hưởng của chữ quốc ngữ tới nền giáo dục Việt Nam để từ đó đưa ra phương hướng giảng dạy và học tập cho các địa phương thực hiện phổ cập giáo dục Tiểu học.

GS.TSKH, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc: "Tư tưởng cải cách giáo dục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị”

Trước khi bước vào con đường hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là một thầy giáo có uy tín nên những tư tưởng chỉ đạo về đổi mới, phát triển giáo dục của Đại tướng luôn bám sát với tình hình thực tế của đất nước.

Đại tướng thường nói với những nhà quản lý và các thầy cô giáo là làm giáo dục là phải trên một cơ sở khoa học và phải theo kịp với sự phát triển của thế giới. Trong cuộc đời của mình, ở trên nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên những nhà lãnh đạo đương chức phải xây dựng được nền giáo dục tương xứng với tầm vóc đất nước và con người Việt Nam.

Theo GS Phạm Minh Hạc, nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sáng, có nhiều ý tưởng xóa nạn mù chữ, đưa nền giáo dục thoát khỏi lạc hậu thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người kế thừa và phát huy những tư tưởng đột phá cho sự phát triển giáo dục của Người.

Năm 1981, GS Phạm Minh Hạc là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo giáo dục ở trường học phải gắn với khoa học sản xuất, người học phải biết áp dụng kiến thức để làm ra những sản phẩm phục vụ thiết thực cho đời sống và phát triển đất nước. Ví dụ như ĐH Nông nghiệp thì phải có xưởng chế biến, sản xuất ra nông sản. Một kỹ sư nông nghiệp thì phải biết nghiên cứu, lai tạo ra những giống lúa mới thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết ở trong nước. Hạt giống sản xuất ra phải được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Từ những 1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh, để đất nước Việt Nam phát triển và đáp ứng được đòi hỏi mới của xu thế hội nhập quốc tế thì nhất thiết phải có cuộc cải cách mạnh mẽ về giáo dục.

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những sứ mệnh của cuộc cải cách giáo dục là phải được gắn với phát huy tài năng và giáo dục lối sống, đạo đức cho thế hệ trẻ. Đó là những thế hệ thanh niên có đầy đủ tài năng, trí tuệ, đạo đức, trách nhiệm, có tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước trong bất kỳ hoàn cảnh, thách thức nào.

Cho đến nay, tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp phát triển giáo dục vẫn còn nguyên giá trị và được tất cả người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ coi đó tài sản vô giá để kế thừa và phát huy./.