Đây là phương án được xem là “táo bạo”, gây sự chú ý của đông đảo người dân thành phố và các nhà khoa học.

Theo Hiệp hội dừa Việt Nam, với cấu tạo sinh học là loại cây đơn trục, không có nhánh phụ dễ gãy, không gây tai nạn trong mưa giông. Ngoài tính năng như lớp đệm chống sụt lún tự nhiên, hệ thống rễ dừa còn có tác dụng như một bộ lọc và phổ cập thêm cho lượng nước ngầm thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt đồng thời giảm thiểu được trình trạng ngập lụt cục bộ do mưa lớn gây ra.

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt với hơn 500km đường ven kênh, nếu mật độ trồng 5m/cây, có thể trồng được 100.000 cây dừa. Sau 4 đến 6 năm, dừa sẽ cho thu hoạch mỗi tháng là 100.000 cây dừa và 100.000 chiếc lá.
trong_dua_vhri.jpg

Sản phẩm thu hoạch được sẽ đảm bảo nuôi sống cho 1 làng nghề khoảng 20 hộ làm chổi, giỏ quà và những sản phẩm khác được làm từ lá dừa để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, cây dừa còn tạo được cảnh quan thiên nhiên xanh, đẹp và bình yên.

Bà Nguyễn Thị Kim Thành, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam nói: “Chúng tôi hy vọng rằng, khi các hàng dừa ven kênh của thành phố phát triển sẽ có những chương trình khai thác những giá trị của nó, kể cả là du lịch ở những tuyến nội đô”.

Tuy nhiên, đề xuất của Hiệp hội dừa Việt Nam đang có nhiều ý kiến khác nhau đối với người dân thành phố Hồ Chí Minh. Anh Nguyễn Văn Thanh ở phường 6, quận 8 nói: “Trồng dừa vừa tạo cảnh quan đô thị. Những sản phẩm từ dừa cũng tạo ra được nguồn thu, đỡ cho ngân sách trong việc chi cho trồng cây xanh. Nguồn thu này sẽ bổ sung cho nhân viên công ty cây xanh thành phố hoạt động dài lâu”.

Ông Dư Hữu Đức, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học sinh vật cảnh thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu vì mục đích tạo cảnh quan đô thị và tạo bóng mát thì có thể trồng các loại cây khác hiệu quả hơn cây dừa . Ông Dư Hữu Đức nói: “Dừa là một loại cây ăn trái. Mà tất cả cây ăn trái không được trồng ở đường phố hay công viên. Tôi nghĩ trồng dừa ở một vùng nào đó hay tỉnh ven biển có thể được còn ở thành phố thì không nên”.

Theo các quyết định của UBND TP HCM, cây dừa nằm trong nhóm 23 loài cây hạn chế trồng trên vỉa hè và dải phân cách và trong danh mục 28 loại cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn thành phố vì có độc tố gây nguy hiểm cho người, có ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý Công viên cây xanh thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Về mô hình trồng dừa trên các tuyến đường mới và ven các kênh, rạch sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học và các đơn vị chuyên ngành, chúng tôi sẽ có báo cáo chi tiết với UBND TP HCM. Quan điểm của Sở Giao thông Vận tải là thống nhất việc nâng cao tính đa dạng sinh học và phong phú các chủng loại cây xanh đô thị. Tuy nhiên, các loại cây được trồng phải đảm bảo được tính an toàn và theo những quy định hiện hành”.

Chưa biết mô hình trồng dừa tại thành phố Hồ Chí Minh theo đề xuất của Hiệp hội dừa Việt Nam có được thực hiện hay không, nhưng Thành phố cũng cần xem xét việc quy hoạch trồng cây gì để đảm bảo an toàn cho người dân và tạo cảnh quan cho một đô thị được xem là văn minh, hiện đại của cả nước./.