"Hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, bổ sung cơ chế hỗ trợ phòng chống dịch; tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật và các sản phẩm từ lợn." Đây là đề xuất của nhiều địa phương tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi với 63 tỉnh, thành phố do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gắn trách nhiệm người đứng đầu trong ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi. |
Đến nay, khu vực phía Bắc đã có 7 tỉnh, thành phố phát sinh dịch tả lợn Châu Phi gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Các địa phương kiến nghị, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp kiên quyết trong kiểm dịch bận chuyển từ khu vực có dịch sang chưa có dịch, lập chốt kiểm dịch tại con đường độc đạo từ khu vực miền Trung cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam để tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan vào các tỉnh phía Nam.
PCT Hà Nội ông Nguyễn Văn Sửu - tăng cường ngăn chặn vận chuyển và xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn |
Từ thực tế chống dịch ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đề xuất: "Đề nghị tiếp tục xuất cấp hóa chất dự trữ để giúp cho các địa phương nhất là những địa phương đang xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi triển khai một cách rộng rãi quyết liệt để kịp thời dập dịch. Đồng thời hỗ trợ kinh phí để xét nghiệp các mẫu phục vụ cho việc xuất, bán giết mổ đàn lợn ở những vùng không có dịch. Thái Bình hiện có gần 1 triệu con lợn bằng 1/14 lần đàn lợn của nước. Những đàn lợn đã đến kỳ xuất bán mà không có kinh phí để xét nghiệm mẫu để tiêu thụ thì thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi".
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị: "Địa bàn Hà Nội giáp với 8 tỉnh, thành phố chúng tôi đề nghị tăng cường quản lý xuất nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật trên phạm vi cả nước và khu vực biên giới. Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm rất tốt "Tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường" cần làm mạnh hơn nữa công tác này."
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin điều trị, rất nguy hiểm do vi rút tồn tại ở môi trường rất lâu. Chính vì vậy, các địa phương cần áp dụng các biện pháp đồng bộ và triệt để, cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo phòng chống và ngăn chặn dịch lây lan.
"Chúng ta phải có trách nhiệm hỗ trợ người chăn nuôi, do đó đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đề khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh quy định là 38 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi nhưng bây giờ họp Chính phủ vừa qua đã kết luận nhất trí sửa theo hướng tùy từng tỉnh nhưng mức hỗ trợ thấp nhất là 80% giá thị trường. Địa phương có nguồn lực thì hỗ trợ 100% hoặc 90% nhưng phải minh bạch, công khai tránh để trục lợi chính sách. Thứ hai riêng lợn nái và lợn đực sinh sản đang sinh sản thì nhất trí cộng thêm hệ số từ 1,5 đến 1,8 lần", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, biện pháp quan trọng nhất trong ngăn chặn dịch lây lan là tiêu hủy đàn lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi bằng phương pháp chôn sâu từ 3m đến 4m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột./.