Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phiđã xảy ra ở 6 xã của 3 huyện gồm: Đông Đô, Tây Đô, Duyên Hải (Hưng Hà), Lô Giang (Đông Hưng) và An Dục, Đông Hải (Quỳnh Phụ). Số lợn đã tiêu hủy là 613 con lợn của 54 hộ.
Đội phản ứng nhanh tiêu hủy lợn sau khi lấy mẫu bệnh phẩm. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN). |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương và người dân kiên quyết không để tình trạng tiêu hủy lợn chết tự do, không để xảy ra hiện tượng vứt lợn chết trên sông, ngòi, ao, hồ, đầm dẫn tới nguồn bệnh lây lan ra diện rộng.
Bên cạnh nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn, khi phát hiện có dịch phải khẩn trương tổ chức tiêu hủy lợn theo đúng quy trình, quy định và tổ chức tiêu độc khử trùng triệt để tại nơi có dịch và vùng lân cận; Kiểm soát chặt chẽ sự di biến động đàn lợn và ngừng hoạt động giết mổ, vận chuyển sản phẩm lợn ra ngoài. Trước mắt, toàn tỉnh Thái Bình sẽ ra quân thực hiện tuần lễ vệ sinh tiêu độc khử trùng từ ngày 2/3 tới.
Còn tại Hưng Yên, đến ngày 28.2, đã có 41 hộ, ở 9 thôn, 7 xã thuộc thành phố Hưng Yên và các huyện: Yên Mỹ, Kim Động, Ân Thi, Mỹ Hào phát hiện có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, với số lợn tiêu hủy hơn 1,7 nghìn con, tương ứng hơn 156 tấn lợn hơi.
Tỉnh Hưng Yên yêu cầu các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu chăn nuôi và hàng ngày người dân phải triển khai tiêu độc khử trùng quanh khu vực. Khi phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi, người dân phải báo cáo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng để tiêu hủy.
Trong quá trình tiêu hủy, các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, nghiêm cấm tình trạng bán chạy lợn bị bệnh. Ngành Nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân không nên tái đàn lợn ở thời điểm này.
Ổ dịch tả lợn Châu Phi vừa được phát hiện trên đàn lợn của hộ ông Chu Văn Vỹ, thôn Chanh - Trung Đồng, xã Văn Xá , huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông Chu Văn Vỹ cho biết mua đàn lợn thịt không rõ xuất xứ, nguồn gốc qua thương lái về nuôi. Sau khi phát hiện ổ dịch, ngành Nông nghiệp đã cấp 500 lít hóa chất phun khử trùng tiêu độc vùng dịch và tổ chức tiêu hủy toàn bộ 14 con lợn có trong chuồng theo đúng quy trình chống dịch./.
Các địa phương nỗ lực đối phó dịch tả lợn châu Phi
“Thủ phủ” chăn nuôi trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi
Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng