Thông tin tại hội thảo toàn quốc “Vận động quyền được tham gia và tiếng nói của trẻ em trong lĩnh vực giáo dục”, do tổ chức Oxfam tổ chức hôm nay (8/12) tại Hà Nội, ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004).

Theo đó, quá trình xây dựng Dự thảo, Bộ này nhấn mạnh hơn tới 4 nhóm quyền theo Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (quyền được sống, được phát triển, được bảo vệ và được tham gia), trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào 2 nhóm quyền được bảo vệ và được tham gia.

hoa_nam_nogb.jpgÔng Đặng Hoa Nam phát biểu tại hội thảo

Theo ông Đặng Hoa Nam, đối với rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, rất khó thực hiện 2 nhóm quyền này, nhất là quyền được tham gia của trẻ em. Điều dễ dàng nhận thấy là vẫn còn nhận thức “trứng khôn hơn vịt”, nên trẻ em hầu như không được hỏi ý kiến, có nghĩa trẻ chưa được tôn trọng; bản thân người lớn, những nhà hoạch định chính sách vẫn còn thiếu kỹ năng lắng nghe và tiếp xúc với trẻ, do đó tiếng nói của trẻ em bị “bỏ ngoài tai”. Bên cạnh đó, bản thân trẻ em cũng cần phải có kỹ năng nói lên tiếng nói của mình, mà điều này rất cần sự giúp đỡ từ phía người lớn, qua đó giúp trẻ tự tin hơn, nêu được quan điểm cá nhân cũng như không bị phán xét.

Đối với lĩnh vực giáo dục, theo nghiên cứu của Oxfam, trong các quyết định/quá trình giáo dục, học sinh tham gia rất hạn chế vào hầu hết các vấn đề quản trị nhà trường. Với kế hoạch giáo dục của địa phương, tình trạng không tham gia của học sinh cũng rất phổ biến. Không có bằng chứng cho thấy có hình thức “biểu quyết” lấy ý kiến từ trẻ em trong các vấn đề như quyết định đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn, di dời trường học hay làm đường đến trường… Cũng không có quy định pháp lý nào yêu cầu chính quyền địa phương phải lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình lập các kế hoạch. Rõ ràng, giáo dục là vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến các em, nhưng các em lại hầu như không được tham gia vào việc lập kế hoạch giáo dục ở bất kỳ cấp nào.

Nhóm trẻ em Ninh Thuận tham gia dự án Kể chuyện qua ảnh, một hoạt động giúp trẻ nói lên tiếng nói của mình

Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, quyền được tham gia có thể nói là nền tảng của sự dân chủ. Trẻ em phải được tạo điều kiện để bày tỏ ý kiến của mình, bởi Hiến pháp 2013 nêu rõ trẻ “được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Nếu thực hiện tốt điều này, khi lớn lên trẻ em sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm, biết quyền của mình; tích cực, biết tự khẳng định mình, biết lắng nghe và chia sẻ, có trách nhiệm với xã hội, gia đình, xây dựng xã hội văn minh hơn; đồng thời thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm, Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004) sẽ quy định rõ các biện pháp để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất đổi tên thành Luật Trẻ em./.