Thời gian gần đây, ở nước ta liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em nói chung và học sinh nói riêng bị xâm hại, lạm dụng tình dục, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe các em.

Theo các chuyên gia, để phòng tránh cho trẻ em bị xâm hại tình dục, điều quan trọng là cung cấp cho các em những kiến thức về giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi và kỹ năng phòng tránh. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và các cơ quan quản lý.

xam_hai_monx.jpg
Cần dạy trẻ kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.

Theo số liệu Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ trẻ em (2011-2015), trong 5 năm cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%). Gần đây nhất là vụ hơn 20 học sinh từ 5 đến 10 tuổi tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã bị bảo vệ trường nhiều lần lạm dụng tình dục, có em bị suốt 3 năm.

Vụ việc này đã gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe cho các em, còn phụ huynh thì lo lắng, bức xúc. Hầu hết nghi can phạm tội trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen với nạn nhân.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do phụ huynh học sinh, nhà trường, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, đặc biệt là các kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục, nên hầu như không trang bị cho các em những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình.

Thực tế cho thấy, các bậc cha mẹ rất ít trao đổi những vấn đề liên quan đến kiến thức giới tính, tình dục với trẻ, hoặc nói theo cách cấm đoán. Hầu hết phụ huynh không đề cập đến kỹ năng xử lý tình huống nếu bị lạm dụng, xâm hại tình dục thì phải làm thế nào… cũng khiến trẻ không có sự chuẩn bị trước và không biết xử lý ra sao khi sự việc xảy ra.

Việc giáo dục giới tính cho trẻ trong các nhà trường cũng chỉ dừng ở mức giới thiệu cơ thể con người và vệ sinh thân thể mà chưa chú trọng đến giáo dục cho các em những kiến thức sâu hơn về giới tính, tâm sinh lý theo từng lứa tuổi và các kỹ năng tự bảo vệ mình.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: “Nhà trường, các thầy cô giáo thiếu các kỹ năng để giáo dục các học sinh. Nhồi nhét nhiều các kiến thức văn hóa quá nhưng kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục, kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em thì rất yếu.

Kiến thức của giáo viên thì rất yếu, thời gian để hỗ trợ, kể cả những chương trình như giáo dục giới tính giáo dục tình dục… các kỹ năng này đều thiếu”.

Bên cạnh đó, mạng lưới đội ngũ cán bộ, cộng tác viên về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vừa thiếu, vừa yếu dẫn đến việc tuyên truyền, hỗ trợ các em trong việc tự bảo vệ mình hầu như không hiệu quả. Các sách, báo, tài liệu về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục còn khô khan, chưa phong phú, sinh động để thu hút các em tìm đọc.

Theo các chuyên gia, trong xã hội biến động hiện nay, việc trẻ em bị xâm hại tình dục không chỉ là vài hiện tượng hi hữu mà đang dần tiến tới mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, điều quan trọng là phải dạy cho các em biết các kiến thức cơ bản về giới tính và xâm hại tình dục để biết cách phòng tránh.

Trách nhiệm giáo dục cho các em trước tiên thuộc về chính gia đình các em và việc giáo dục giới tính được thực hiện càng sớm càng tốt.

Tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói: “Việc quan trọng nhất bố mẹ phải làm là phải ý thức được con mình hoàn toàn có nguy cơ bị xâm hại bất kể lúc nào, bất kể ở đâu.

Chúng ta phải dạy con từ lúc 2-3 tuổi, dạy con ý thức tự vệ, dạy con cách né tránh khi có ai đó động vào người, dạy con phải biết chăm lo cho mình, giữ vệ sinh biết phòng tránh những nguy cơ bị xâm hại ví dụ như không đi chơi buổi tối về quá muộn, không đi vào những khu vực đường quá vắng không có ai, không nghe theo người lạ...

Việc các em cần phải biết là không có những động chạm quá gần, đặc biệt là khu vực bên trong đồ lót của mình”.

Về phía các cơ quan quản lý, cần xây dựng những bộ tài liệu, sách, báo, ảnh về giáo dục giới tính và chống xâm hại tình dục để tuyên truyền và hỗ trợ phụ huynh những kiến thức cơ bản để dạy con em mình. Tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, đặc biệt là giáo viên tiểu học, giáo viên phổ thông.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, ngành Giáo dục- Đào tạo cần rà soát lại phương án bảo vệ an toàn cho trẻ, đặc biệt là đối với hệ thống trường nội trú, bán trú.

Cần đưa vấn đề giáo dục giới tính thành một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, trong đó trọng tâm là các kiến thức về sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý theo lứa tuổi, các kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục... chứ không phải là những kiến thức chung chung: “Về mặt xâm hại tình dục trong các chương trình giáo dục giới tính cũng đã phải đề cập, nhưng quan điểm của tôi là nên hẳn một vấn đề thảo luận với các cháu, hướng dẫn các cháu theo đối tượng từng cấp học để chúng ta đưa ra chương trình giáo dục.

Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng phải kiểm soát chương trình này chứ không chỉ nêu địa phương nào làm thì làm. Phải đưa vào chương trình thành những bài học hẳn hoi để các cháu có tiếp xúc bài bản, cộng với tuyên truyền tranh ảnh, cho các cháu có tình huống để các cháu thực tập để tạo phản xạ, tạo thói quen để có ý thức về việc tự bảo vệ mình như thế nào”.

Ở góc độ pháp luật, cần có những chế tài, hình thức xử lý nghiêm minh và đủ sức răn đe với những đối tượng xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em, tránh tình trạng đối tượng xâm hại dọa nạt, thậm chí uy hiếp tính mạng người bị hại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại hiện nay lại chính là nhận thức về tầm quan trọng trong giáo dục giới tính của phụ huynh Việt Nam. Đã từng xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng bố mẹ lo ngại đến tương lai của con nên nhẫn nhục, hoặc thỏa thuận rồi chịu đựng, để những kẻ có hành vi phạm tội không bị xử lý.

Mọi sự thay đổi của cơ quan quản lý cũng như cải cách của ngành giáo dục- đào tạo đều vô dụng nếu vấp phải sự phản đối của phụ huynh./.