Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày “tiễn” ông Công, ông Táo lên chầu trời và đón năm mới Quý Tỵ, trên khắp các phố phường Hà Nội, những mặt hàng “cõi âm” phục vụ cho dịp cuối năm tấp nập người mua – kẻ bán.

Tại phố Hàng Mã – nơi được gọi là thủ phủ chuyên bán đồ cho người cõi âm trở nên nhộn nhịp gần hai tuần nay. Đồ hàng mã cùng với đồ trang trí ngày Tết bày bán đỏ rực cả con phố. Trong đó, bán chạy nhất vẫn là giấy tiền vàng mã, mũ, áo, hia, cá chép giấy… được phân loại sẵn, xếp thành từng xấp. Đây là những vật dụng cần thiết mà mỗi gia chủ chuẩn bị cho ông Táo về trời.

ong-cong-1.jpg
Bộ đồ lễ ông Công, ông Táo loại vừa có giá từ 40.000 - 70.000 đồng/ bộ

Theo các chủ cửa hàng, năm nay thị trường đồ cúng lễ đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá nguyên vật liệu nhập vào đắt đỏ nên giá các mặt hàng này tăng thêm từ 10 -20% so với năm ngoái.

Hiện một bộ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo gồm có: 3 chiếc mũ, 3 con cá chép giấy, 3 đôi giày, 3 bộ áo, loại to đẹp có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/ bộ; loại vừa, nhỏ có giá 40.000 – 70.000 đồng/ bộ. Tăng từ 10 – 20% so với năm ngoái. Các loại tiền vàng dao động quanh mức từ 10.000 – 12.000 đồng một chục.  Quần áo chúng sinh có giá khoảng 35.000 – 40.000 đồng/ 100 bộ.

Các chủ cửa hàng cũng cho biết, năm nay các mặt hàng thiết yếu cho ngày ông Công, ông Táo như dày dép, mũ, cá chép giấy, quần áo chúng sinh, vàng mã… bán chạy. Nhiều gia đình mua hẳn 2 bộ, một bộ ông Công, ông Táo để đốt vào ngày 23 tháng Chạp, một bộ ông Giao thừa để đốt vào đêm 30. Còn các mặt hàng xa xỉ khác như nhà lầu, xe hơi… tùy thuộc vào nhu cầu mỗi gia đình muốn dâng lên ông bà Tổ tiên nhân dịp năm hết tết đến có giá lên đến tiền triệu thì rất ít người hỏi mua.

Chị Nga (chủ cửa hàng 62 – Hàng Mã) cho biết: Năm ngoái, vào thời điểm này mỗi ngày chị bán đến vài chục bộ đồ lễ ông Công, ông Táo, nhưng năm nay thì sức mua vẫn còn cầm chừng. Một mặt do kinh tế năm nay gặp nhiều khó khăn, nên nhiều gia đình đợi đến sát ngày mới đi mua. Mặt khác, mặt hàng này đã trở thành đại trà, người mua thì ít mà kẻ bán thì nhiều, nên khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Do đó, lượng mua tại các cửa hàng trên hàng Mã cũng không còn ồ ạt như các năm trước.

Ông Công, ông Táo "xuống" phố

Đang lựa chọn đồ lễ cho ngày ông Công, ông Táo, chị Thanh Hương (Bác Cổ - Hà Nội) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, gia đình tôi cũng sắm những đồ lễ thiết yếu như giày, mũ, áo, cá chép… Tôi thấy thị trường vàng mã năm nay phong phú về mẫu mã, chủng loại, người mua có nhiều sự lựa chọn hơn, giá cả không quá đắt đỏ. Chỉ cần bỏ ra 40.000 đồng là có một bộ đồ lễ đầy đủ cho ngày Tết”.

Năm nay, thị trường hàng mã dành cho người cõi âm bày trên bàn thờ đa dạng hơn về chủng loại, mẫu mã. Ngoài cau vàng, thỏi vàng, dây vàng, còn có cành lộc vàng, cành cau vàng, lúa vàng, được làm cầu kỳ, bắt mắt… Cành lộc có giá 10.000 -15.000 đồng/ cành. Cây lộc vàng đính thỏi vàng loại to đẹp có giá 50.000 đồng/ cây. Loại nhỏ, vừa có giá 35.000 đồng/cây.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, ngày tết ông Công, ông Táo là một trong những ngày Tết quan trọng nhất trong năm. Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, Táo quân cưỡi cá chép vàng về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của gia đình dưới hạ giới trong năm qua.

Lễ vật cúng Táo quân gồm có ba bộ mã, hai bộ tượng trưng cho Táo ông và một bộ tượng trưng cho Táo bà. Ngoài ra còn có vàng mã khác như hương, hoa, oản, cau, trầu. Một mâm cỗ được chuẩn bị đẩy đủ. Những đồ “vàng mã” sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho ông Táo.

Trong ngày cúng ông Táo, người dân còn chuẩn bị 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là “phóng sinh” để đưa ông Táo về trời. Tục cúng cá chép chỉ người miền Bắc hay làm.

Ngày ông Táo về chầu trời được xem là ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn Táo quân, người dân bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên… chuẩn bị đón Tết.

Một số hình ảnh người dân sắm đồ lễ ông Công, ông Táo:

Phố Hàng Mã – nơi được gọi là thủ phủ chuyên bán đồ cho người cõi âm trở nên nhộn nhịp gần hai tuần nay
Thị trường đồ cúng lễ đa dạng về mẫu mã và chủng loại. 
Bán chạy nhất vẫn là giấy tiền vàng mã, mũ, áo, hia, cá chép giấy…
Bộ đồ lễ cúng ông Giao thừa có giá 50.000 - 70.000 đồng
Những mặt hàng “cõi âm” phục vụ cho dịp cuối năm đa dạng về chủng loại
Tận dụng cả gốc cây để bày bán đồ lễ ông Công, ông Táo
Cây lộc vàng đính thỏi vàng loại to đẹp có giá 50.000 đồng/ cây. Loại nhỏ, vừa có giá 35.000 đồng/cây. 
Cành hoa vàng bày trên bàn thờ có giá 80.000 đồng/cành
Cành lộc vàng, cây cau vàng... luôn thu hút người mua