Bắt đầu từ khoảng 16h30 chiều qua (mùng 3 Tết) và chiều nay (mùng 4 Tết), do lưu lượng xe từ các tỉnh đổ về Hà Nội rất lớn nên trạm thu phí BOT Pháp Vân –Cầu Giẽ bị ùn tắc nghiêm trọng theo chiều từ Ninh Bình – Hà Hội. Dòng phương tiện bị ùn tắc kéo dài cả km.

ct1_vov_lwfz.jpg
Dòng xe ùn tắc kéo dài hơn 750m (theo quy định là 700m) trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ chiều mùng 4 Tết nhưng chủ đầu tư kiên quyết không xả trạm, "hành" người dân bằng cách thu phí thủ công .

Theo quy định của Tổng Cục đường bộ (Bộ GTVT), khi xảy ra ùn tắc phương tiện kéo dài từ 700m trở lên, nhà đầu tư BOT phải mở barie xả trạm để đảm bảo giao thông không bị ùn tắc. Tuy nhiên, theo quan sát từ chiều qua đến hôm nay, tại đây dù ùn tắc rất dài nhưng chủ đầu tư kiên quyết thu phí kiểu thủ công khiến dòng xe ô tô nối đuôi nhau đợi qua trạm dài cả km. Nhiều người lớn và trẻ nhỏ tỏ ra mệt mỏi khi phải chờ đợi quá lâu.

Cũng theo thông tin từ nhiều người dân phản ánh, tình trạng tương tự cũng xảy ra trên tuyến cao tốc Nội Bài- Lào Cai. Dòng xe ô tô nối đuôi nhau dài gần 2km nhưng vẫn phải đợi chờ qua trạm mà không có bất cứ sự điều tiết giao thông nào.

Hình ảnh ngày mùng 4 Tết năm ngoái (Tết Kỷ Hợi). Ảnh Ngọc Thành.

“Tại cao tốc Nội Bài- Lào Cai lúc 4h chiều nay tôi thấy lạ quá, trước trạm xe ô tô nối đuôi nhau kéo dài khoảng 1km, phía sau cũng nối dài tầm 2km. Vậy mà không xả trạm như yêu cầu của cơ quan chức năng. Vật vã cả tiếng mới thoát ra khỏi trạm thu phí. Giá có làn thu phí tự động thì đỡ bao nhiêu, ở đây nhân viên ngồi soát vé giấy thủ công rất mất thời gian. Thời đại công nghệ 4.0 mà trên tuyến cao tốc lại áp dụng công nghệ 0.4 thì quá mệt cho người đi đường”, anh Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) than thở.

Nhận định trước tình hình, ngày hôm qua (27/1 tức mùng 3 Tết Nguyên đán) Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công điện chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, địa phương có biện pháp kéo giảm TNGT, phải xả trạm cho phương tiện lưu thông khi xảy ra ùn tắc kéo dài tại các trạm thu phí sau Tết.

Trước đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cũng cho biết, Tổng cục sẽ bố trí nhân viên giám sát, nếu xảy ra ùn tắc sẽ yêu cầu xả trạm để đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến cao tốc, chủ đầu tư vẫn điềm nhiên thu phí dù dòng phương tiện có ùn dài nhiều hơn số mét ùn tắc theo quy định.

Trước đó, trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để đảm bảo giao thông qua các trạm thu phí được thông suốt và an toàn, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà đầu tư BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700m trở lên do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm để giải quyết ùn tắc.

Quy định ùn tắc quá 700m phải xả trạm của Bộ GTVT có lẽ chỉ là quy định trên giấy?

“Cùng với việc cắm biển cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm thu giá, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cử 7 đoàn làm việc với các nhà đầu tư BOT, các địa phương để tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các lái xe cố tình gây ách tắc giao thông tại trạm thu phí, đảm bảo điều kiện lưu thông thông suốt của người dân, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020”, ông Huyện nói.

Theo ông Huyện, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, để giảm ùn tắc tại các trạm thu phí phải áp dụng thu phí tự động không dừng.

“Việc thu phí tự động giúp xe đi qua trạm nhanh hơn, giảm ùn tắc. Khi đó, các phương tiện lưu thông đã lắp thẻ VETC đi trên tuyến sẽ không còn gặp trở ngại nào, đảm bảo sự thông suốt, tránh gây bức xúc do ùn ứ như dịp Tết. Điều quan trọng nhất là giúp quản lý thu giá minh bạch tại các trạm”, ông Huyện quả quyết.

Trước đây, Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ cũng đã có văn bản yêu cầu kiểu này. Tuy nhiên, thực tế tại các trạm thu phí, tình trạng ùn ứ kéo dài, nhưng chủ đầu tư quyết không “xả trạm” như văn bản yêu cầu./.