Liên quan đến yêu cầu trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí ngày 10/6 vì không sao lưu dữ liệu theo quy định, sáng nay (10/6) trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn thành sao lưu dữ liệu thu phí vào ngày 9/6 theo quy định. Vì vậy, trạm thu phí của dự án này sẽ không bị dừng và vẫn hoạt động thu phí bình thường.

Sáng 10/6, phóng viên VOV.VN đã có mặt tại BOT  BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ từ sớm, nhiều chủ phương tiện cho biết, trạm vẫn hoạt động thu phí phương tiện bình thường, không có việc trạm bị dừng như báo cáo của Tổng cục Đường bộ ĐBVN với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trước đó. Mức phí trạm đang thu phương tiện qua lại trong sáng nay từ 35.000 đến 100.000 đồng/lượt phương tiện. Điều này đã gây khó hiểu cho nhiều lái xe.

bot_phap_van_1_vov_udub.jpg
SÁng 10/6, BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ vẫn hoạt động bình thường.

Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam-Nguyễn Văn Huyện cho biết, sau khi có báo cáo gửi Bộ GTVT về việc yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo quy định, trong tuần qua đại diện Tổng cục đã xuống làm việc và lập các biên bản sự việc.

Tiếp đó, ngày 7/6, nhà đầu tư đã mời đại diện Tổng cục ĐBVN xuống làm việc. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo đã hoàn thành việc nâng cấp máy móc, hạ tầng và thực hiện sao lưu, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định mới của Bộ GTVT.

“Sau khi kiểm tra trong các ngày mùng 6 và mùng 7/6, do nhà đầu tư đã hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng được các yêu cầu trên nên trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn hoạt động bình thường trong ngày 10/6”, ông Nguyễn Văn Huyện thông tin.

Cùng với việc mời đại diện Tổng cục ĐBVN xuống kiểm tra, làm việc, trong các ngày mùng 6 và 7/6, nhà đầu tư cũng có văn bản gửi một số cơ quan báo chí, thông tin: Hệ thống lưu trữ dữ liệu thu phí của công ty hiện nay đang hoạt động bình thường, trong đó thời gian lưu trữ video trung bình là 90 ngày, hàng tháng thường xuyên có sự kiểm tra, đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Tổng cục ĐBVN mỗi tháng kiểm tra 1 lần.

Sau khi có thỏa thuận của Tổng cục ĐBVN về sự nâng cấp bổ sung hệ thống lưu trữ hoạt động tại trạm BOT từ 1 năm đến 5 năm theo quy định mới của Bộ GTVT, nhà đầu tư đã tích cực triển khai, đến ngày 30/5/2019, nhà đầu tư đã triển khai lắp đặt xong hệ thống lưu trữ bổ sung, đến ngày 6/6 Tổng cục đã kiểm tra và thống nhất việc hệ thống của đơn vị đã đáp ứng được các nội dung sao lưu theo quy định mới.

"Tổng cục kiểm tra, đốc thúc và chỉ đạo nhiều lần nhưng doanh nghiệp làm chậm quá, vì thế, Tổng cục phải yêu cầu dừng thu phí. Quan điểm của Tổng cục ĐBVN là nhất quán, rất kiên quyết trong xử lý", ông Huyện nhấn mạnh.

Ông Huyện cho biết, việc lưu trữ dữ liệu có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, giám sát, vì thế, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc. Ngay cả khi doanh nghiệp đã làm xong, việc giám sát, kiểm tra vẫn được thực hiện nghiêm ngặt, ông Huyện nói thêm.

Trung tâm điều hành đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ xác nhận, đã hoàn tất nâng cấp xong phần mềm sao lưu lên 1 năm dữ liệu hình ảnh và 5 năm dữ liệu thu phí và báo cáo lên Bộ GTVT.

“Chưa có văn bản nào yêu cầu chúng tôi phải dừng thu phí từ ngày 10/6, mà chỉ có văn bản của Tổng cục nói rằng, đề nghị đến ngày 10/6, chủ đầu tư không nâng cấp xong thiết bị sao lưu dữ liệu đúng theo thông tư 49 thì đề nghị Bộ GTVT cho chủ đầu tư dừng thu phí đến khi nào thực hiện xong mới cho thu phí trở lại”, ông Vũ Ngọc Oánh cho hay.

Trạm BOT trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ làm trạm hoàn vốn cho dự án mở rộng đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (vốn trước đó là đường nhà nước xây dựng). Đầu năm 2015 Bộ GTVT đã đồng ý cho liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2015, mặc dù dự án thi chưa xong giai đoạn 1, nhưng Bộ GTVT đã chấp nhận cho nhà đầu tư thu phí phương tiện qua lại với mức từ 45.000 đến 110.000 đồng/lượt xe ô tô (nay đã giảm xuống còn 35.000 đến 100.000 đồng/lượt). Với tổng mức đầu tư trên, nhà đầu tư được thu phí vòng 17 năm 3 tháng.

Với lý do nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát không công khai con số lưu lượng phương tiện qua lại, minh bạch về doanh thu với nhà đầu tư liên danh, đầu năm 2016, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty CP (Cienco1 – liên danh góp vốn), đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo nhà đầu tư Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nội dung trên

Sau sự việc trên, Tổng cục ĐBVN đã thành lập các tổ giám sát công tác tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Kết quả, sau 10 ngày giám sát ngẫu nhiên, tổ công tác đã ghi nhận, mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỉ đồng. So với con số 1,2 dến 1,4 tỷ đồng/ngày Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ GTVT trước đó, con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày./.