Trạm y tế lưu động tất bật
Vừa nhận nhiệm vụ tăng cường lực lượng cho trạm y tế lưu động phường Tân Thới Nhất, Quận 12, đội của bác sĩ Huỳnh Thiên Phú, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM bắt tay ngay vào chăm sóc cho F0 tại nhà, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng. Trong sáng 12/11, đội lấy mẫu cho khoảng 250 người dân và phát hiện 30 trường hợp dương tính.
30 trường hợp này được các y bác sĩ nắm tình hình sức khoẻ, thông tin cá nhân, lịch sử tiêm vaccine COVID-19 và phát thuốc điều trị COVID tại nhà gồm gói A (là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng) và gói B (bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông).
Bác sĩ Phú cho biết, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM có 5 đội tăng cường lực lượng cho các trạm y tế lưu động của Quận 12 trong thời gian 3 tháng kể từ ngày 11/11.
"Chúng tôi có hai nhiệm vụ chính ở đây, thứ nhất là test nhanh cấp giấy hoàn thành cách ly và xác nhận cho người ta đi làm với lại những trường hợp có triệu chứng để phát thuốc và tư vấn cho họ chăm sóc và theo dõi cách ly tại nhà. Nhiệm vụ thứ hai là chăm sóc và theo dõi ép không trên địa bàn mỗi đội sẽ quản lý một hotline người dân có vấn đề gì về sức khỏe thì họ sẽ gọi"- bác sỹ Phú nói.
Hiện Quận 12 là địa phương có số ca bệnh cách ly tại nhà cao nhất TP.HCM với khoảng 10.000 ca. Sở Y tế TP.HCM đã bổ sung thêm 20 trạm y tế lưu động cho địa phương này, do các bệnh viện: Mắt, Da liễu, Bình Dân, Y học cổ truyền đảm trách.
Bác sĩ Trần Hồng Ly, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tăng cường cho Trạm y tế lưu động số 13, Quận 12 cho biết, Bệnh viện Da liễu cử đội hình gồm 10 y bác sĩ đến 5 trạm y tế lưu động ở 5 phường của Quận 12.
Riêng tại phường Tân Thới Nhất, mỗi ngày có khoảng từ 80-100 ca test nhanh dương tính. Số ca bệnh có xu hướng tăng vì trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, giáp Quốc lộ 1A và các khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Bà Điểm (huyện Hóc Môn), tập trung đông công nhân từ các tỉnh miền Tây, miền Trung. Một số công nhân từ quê lên vẫn chưa được tiêm vaccine. Theo phân công, một bác sĩ và một điều dưỡng sẽ chăm sóc 100 ca F0.
Bác sĩ Ly dự kiến những ngày tới, khối lượng công việc ở trạm sẽ nhiều và khó khăn: "Cũng có khó khăn, vì phải chở bình oxy xuống nhà bệnh nhân chưa kể bệnh nhân trong đêm khuya cần, mà nữ phải đi cũng có nhiều nguy hiểm. Để tránh tình trạng khó khăn đi xuống nhà dân rồi tìm đường đêm hôm, bên phường hỗ trợ thêm cho một bạn tình nguyện viên dân quân, để người ta hỗ trợ giống như dẫn đường cho mình"- bác sỹ Ly nói.
Giải quyết thiếu nhân lực cục bộ
Trước tình trạng số lượng F0 tăng, nhất là tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, mới đây, Sở Y tế TPHCM quyết định bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động do các bệnh viện thành phố và quận, huyện đảm trách. Cụ thể, Quận 12 thêm 20 trạm, huyện Bình Chánh thêm 8 trạm, huyện Hóc Môn thêm 4 trạm và quận Bình Tân 1 trạm. Như vậy, TP.HCM đã nâng tổng số lên 250 trạm y tế lưu động, bên cạnh 310 trạm y tế. Trước đó, lúc đỉnh dịch TP.HCM có 550 trạm y tế lưu động.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, thời gian vừa qua, số ca F0 tăng lên, trạm y tế lưu động do lực lượng quân y phụ trách rút đi nên có xảy ra quá tải cục bộ ở một số nơi. Vì vậy, giải pháp trước mắt là điều động các bệnh viện cử bác sĩ và điều dưỡng xuống tăng cường hỗ trợ trạm y tế địa phương để kịp thời phát túi thuốc và phát hiện các ca F0 nặng để xử trí, chuyển viện.
Về lâu dài, Bác sĩ Châu cho biết: "Vài tháng nữa Sở sẽ điều chuyển các bác sĩ mới ra trường từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng cường cho trạm y tế cơ sở. Về những giải pháp lâu dài căn cơ, chúng tôi sẽ đề xuất lên HĐND TP, Đoàn Đại biểu nhân dân, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để nhằm thu hút thêm nhân lực về y tế cơ sở".
Tính từ 16 giờ ngày 11/11 đến 16 giờ ngày 12/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.388 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 441.786 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trước tình hình gia tăng F0 trên địa bàn, ngoài việc tăng cường lực lượng từ các bệnh viện cho các trạm y tế lưu động, TP.HCM cũng đã kích hoạt lại mạng lưới thầy thuốc đồng hành, thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch./.