Những khu vực bị ngập nặng trong đợt triều cường lần này là đường Lương Định Của (quận 2), phường Long Phước (quận 9), đường An Dương Vương (quận 6), đường Lê Văn Lương (quận 7) và một số tuyến đường hẻm ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai ở các huyện Củ Chi, Nhà Bè, quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh.

Tại phường 27, quận Bình Thạnh, nhiều tuyến đường hẻm ven sông Sài Gòn bị ngập sâu từ 30-40cm. Nước ở dưới cống đùn lên đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Người dân ở đây cho biết, tình trạng ngập nước và ô nhiễm mỗi khi triều cường đã xảy ra từ nhiều năm nay.

trtieeu_cuong_wbnl.jpg
Những tuyến phố chìm sâu do triều cường

Rất may, trong thời điểm triều cường lên cao vào tối 29/10, tại thành phố Hồ Chí Minh không có mưa nên nước chỉ ngập cục bộ ở những khu vực ven kênh, rạch, giao thông không bị ùn tắc.

Rút kinh nghiệm từ đợt ngập nặng khi triều cường đạt đỉnh 1,68m trên sông Sài Gòn, gây nhiều thiệt hại vào đợt rằm tháng 9 âm lịch năm ngoái, chính quyền các địa phương và người dân thành phố đã gia cố bờ bao, chuẩn bị máy bơm nước và sắp xếp lại đồ đạc để chủ động ứng phó với những tình huống xấu nhất khi nước lên cao.

Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân ở lô L, Cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh nói: “Nước thủy triều lên thì không có cách nào mà chặn được hết. Chỉ có cách là đặt máy bơm để bơm ra cho bớt ngập. Như nhà tôi bây giờ là phải đắp cát. Nếu nước lên cao như năm ngoái, đắp cát cao đến nửa mét mà nước vẫn tràn vào nhà”.

Từ đầu tháng 10 đến nay, các tuyến kênh, rạch nội đô đã được Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập thành phố Hồ Chí Minh nạo vét, khơi thông dòng chảy để đảm bảo tiêu thoát nước cho thành phố sau mỗi đợt triều cường.

Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong 6 nhóm giải pháp mà thành phố Hồ Chí Mnh đang thực hiện thì có tới 4 nhóm giải pháp gọi là phi công trình. Trong đó, việc huy động người dân, các đoàn thể và toàn xã hội chủ động cùng với thành phố thực hiện các biện pháp chống ngập là rất quan trọng. 

Chúng tôi cũng tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố kết hợp đồng bộ giải pháp công trình và phi công trình, để công tác chống ngập đạt hiệu quả mang tính bền vững và lâu dài”.

Theo dự báo, trong năm 2015 này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn 1 đợt triều cường lên cao vào tháng 11 âm lịch nữa. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng thường xuyên cập nhật thông tin trên website của đơn vị, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan truyền thông nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân chủ động ứng phó với triều cường./.