Thành phố Hồ Chí Minh đang trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, cuối tuần này, khu vực nam bộ tiếp tục có những trận mưa to. Mặc dù thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư các công trình chống ngập, nhưng mới đưa vào sử dụng các công trình này đã không thể đáp ứng được nhu cầu thoát nước khi mưa to kết hợp với triều cường.
Lội dòng sông phố đi học |
Chị Trần Thị Thanh Trang, sống ở đường Phan Anh, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân nói: “Nhà mình sát mặt đường nên nước nó tràn vào nhà, ướt hết đồ. Tôi cũng mong chính quyền địa phương làm cống để có thể thoát được lượng nước đi cho đỡ cực chút, chứ sau mỗi trận mưa dân khổ quá, thức đêm để tát nước”.
Đến sáng 18/9, những nơi bị ngập nặng, nước cũng đã rút cơ bản. Chính quyền và người dân ở những vùng bị ngập đang tiến hành dọn dẹp nhà cửa, nạo vét cống rãnh thoát nước, vệ sinh môi trường. Một số tuyến đường bị ngập sâu như đường Phan Anh, An Dương Vương (quận Bình Tân), Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), một số cống đã bị trôi nắp. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh không có đoạn đê bao nào bị vỡ và không có thiệt hại về người. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các phường, xã có nguy cơ bị ngập lụt cũng tăng cường lực lượng, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra khi có mưa to kết hợp với triều cường.
Ông Đinh Bảo Quốc, Bí Thư Đảng ủy-Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 28, quận Bình Thạnh cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra các phương tiện, vật dụng và các phương tiện phòng chống lụt bão để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra trên địa bàn phường. Người dân phường 28 chúng tôi đã sống chung với ngập úng nên ý thức tự khắc phục khó khăn của người dân rất cao”.
Theo báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, trước mùa mưa năm nay, thành phố còn 33 điểm ngập. Như vậy, qua trận mưa này, thành phố đã phát sinh thêm 33 điểm ngập mới.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trên khắp thành phố, ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do trận mưa lên đến 142mm và kéo dài khiến hệ thống cống hiện hữu không thể thoát nước kịp vì hệ thống cống ở nội đô được thiết kế để thoát nước với lượng mưa 86 mm kéo dài trong 3 giờ. Cùng thời điểm mưa to, triều cường ở các sông cũng ở mức cao, làm cho việc thoát nước càng chậm hơn.
Ông Đỗ Tấn Long, nói: “Quy hoạch về hệ thống thoát nước của thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, vì vậy chúng ta phải phân kỳ đầu tư cho từng năm. Ở khu nội thành, chúng ta phải đầu tư 150 dự án cống các loại. Thành phố cũng có sự tính toán, lắp đặt thêm trạm bơm và một số hạng mục khác để tạo thành một hệ thống thoát nước đồng bộ cho thành phố. Tuy nhiên, do khó khăn trong quá trình thi công nên đã xảy ra ngập ở một số nơi mà trước đây không bị ngập”.
Để giảm ngập úng trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống sông, kênh, rạch ở 4 trục tiêu chính là trục kênh Tham Lương - Bến Cát, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi – kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của thành phố đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, thành phố đã đầu tư được 3.500km trong tổng số 6.000km cống các loại cần xây dựng. Điều đáng lo ngại là hệ thống cống này vừa làm xong đã có biểu hiện lạc hậu, lỗi thời vì không đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước trong tình hình thời tiết xấu và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.Đường D2, phường 24, quận Bình Thạnh ngập sâu đến 50cm |
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Có những vướng mắc do chúng ta làm quá chậm và không hiệu quả. Các cống thi công xong thì bị quá tải do chúng ta đã dùng những tiêu chí kỹ thuật cũ. Đó là quy định chung đối với tất cả các địa phương trong cả nước, cứ tuân theo quy phạm mà làm thì nó ra như vậy. Thành phố Hồ Chí Minh làm sao để giải quyết được cái đặc thù của mình, vì cả nước không phải nơi nào cũng gặp phải những diễn biến bất lợi như vậy. Nếu cứ áp dụng quy phạm cũ thì không được, nhưng nếu áp dụng cái mới thì cơ sở pháp lý nào để áp dụng”.
Một hạn chế khác trong công tác chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là không có một đầu mối chỉ đạo thống nhất nên xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Về tổ chức, công tác chống ngập được Ủy ban Nhân dân thành phố giao cho nhiều cơ quan, ban ngành thực hiện như: Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập, Ban Quản lý Dự án nâng cấp đô thị thành phố và chính quyền cấp quận, huyện. Trong khi các giải pháp chống ngập do các ngành chức năng đã và đang thực hiện chưa phát huy được tác dụng, người dân thành phố cần có những biện pháp của riêng mình để thích ứng với hoàn cảnh, giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra./.
Top of Form