Dịch tả lợn Châu Phi vừa xuất hiện thêm ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định. Như vậy cùng với 10 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, dịch lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố.
Vậy giải pháp nào để ngăn chặn và hạn chế dịch lây lan? Phóng viên VOV đã có cuôc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. |
PV:Thưa Thứ trưởng, những nguyên nhân nào khiến dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lan ra nhiều địa phương như hiện nay?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Qua kiểm tra các địa phương Hưng Yên, Thái Bình thì những văn bản chỉ đạo của Thủ tướng và Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất sát với thực tiễn. Các địa phương vào cuộc hết sức tích cực vì dịch tả lợn Châu Phi nếu để xảy ra sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Chưa có vắc xin điều trị, tỉ lệ chết là 100%.
Tổng đàn lợn của chúng ta rất lớn trước bối cảnh hết sức khó khăn phức tạp như báo cáo với Thủ tướng là cạnh ta Trung Quốc đã bị với 110 ổ dịch với 28 tỉnh số lượng tiêu hủy rất lớn, đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc dài, và nhiều đường mòn lối mở, lượng khách du lịch rất lớn, hoạt động giao thương, thương mại và du lịch rất nhiều, đặc biệt lượng khách của Trung Quốc đi rất nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Thêm nữa là hoạt động giết mổ và thương mại cũng rất lớn và thời tiết bất lợi đồng thời với mật độ chăn nuôi của ta rất lớn với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ liền kề với nhau.
PV: Mọi thứ diễn ra theo kịch bản đề ra từ trước do vậy tính chủ động rất cao trong quá trình triển khai, thì kịch bản tiếp theo chúng ta cần phải được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Qua kiểm tra thực tế thì có những khó khăn vướng mắc mà cần phải giải quyết và điều chỉnh những sự cố xảy ra ngay từ thực tiễn.
Thứ nhất là khi tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Bộ Chính trị thì nhiều tỉnh, thành đã nhập và giải thể thú y cơ sở cấp huyện để vào Trung tâm dịch vụ. Như vậy lực lượng thú y tổ chức theo Luật Thú y không còn ở cấp huyện nữa, và lực lượng để giám sát để triển khai phòng chống dịch hoàn toàn bị trống đây là khó khăn và vừa rồi các tỉnh đều phản ánh như vậy, các tỉnh chưa xảy ra cũng nói là không có lực lượng để triển khai.
Thứ hai là mức hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục lại sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh chưa sát với thị trường và thời gian đền bù cho người dân còn kéo dài với những thủ tục hành chính cho nên không ngăn chặn được bán chạy, bán tháo. Đây chính là nguyên nhân gây ra lan tràn dịch bệnh ra các nơi mà chúng ta sẽ không khống chế được.
Thứ ba trong quá trình tổ chức thực hiện, có những vướng mắc về tài chính, cơ chế hỗ trợ những người tham gia chống dịch, còn những khó khăn tồn tại tại cơ sở. Ví dụ huy động công an, quân đội vào cuộc, cả hệ thống chính trị vào cuộc như Bộ Công an phải có sự phân công nhiệm vụ của Bộ trưởng, bây giờ có Chỉ thị có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì cả hệ thống chính trị vào cuộc giám sát thì chúng ta sẽ ngăn chặn được mức độ lây nhiễm.
PV: Đối với những địa phương đã phát sinh dịch, chưa phát sinh và những khu vực lân cần, kịch bản cụ thể là gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Với 1 bệnh không có vắc xin, không điều trị được, tỷ lệ chết 100% thì việc giám sát và khoanh vùng xử lý đối với các tình có dịch, không có dịch, khu vực lân cận phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Công điện, có hướng dẫn, kể cả kịch bản mới. Có vướng mắc là công bố dịch. Ví dụ như Thái Bình đưa ra ý kiến trong Luật Thú y nếu xã có dịch thì huyện công bố, 2 huyện thì tỉnh công bố thế như 1 tỉnh mà có 6 đến 7 huyện mà công bố toàn tỉnh thì những huyện mà không có dịch sẽ khó khăn trong khâu tiêu thụ. Cái này từ thực tiễn đặt ra chúng ta phải có xử lý. Phải quan sát, tổng kết từ thực tiễn để có phương án có hiệu quả nhất.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.