Trong 20 ngày vừa qua, Trà Vinh có thêm gần 1.500 ha nuôi tôm sú bị thiệt hại, nâng diện tích bị thiệt hại kể từ đầu vụ đến nay lên đến trên 7.300 ha. Số lượng tôm giống bị chết chiếm hơn 40% trong tổng lượng giống thả nuôi vụ này. Tôm nuôi bị chết ở giai đoạn từ 15 - 70 ngày tuổi, do nhiễm bệnh hội chứng hoại tử gan tụy, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu.
Theo các nhà chuyên môn, đây là loại bệnh mới do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ra, chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả. Tỉnh đang tích cực phòng chống dịch trên tôm sú, không để lây lan.
Ông Trần Văn Trinh, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết: “Hiện chúng tôi cũng mở lớp tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho bà con trong vùng, giúp người dân nhận biết được dịch bệnh để hạn chế xảy ra. Về việc thả nuôi, khuyến cáo người dân nên chậm thả lại đối với các hộ thâm canh, không nên thả nuôi vào thời điểm này”.
Các vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã bị bệnh sau khi thu hoạch không nên cải tạo thả lại vì mầm bệnh vẫn còn tiềm ẩn trong các ao hồ, kết hợp thời tiết không thuận lợi sẽ tái phát, gây thiệt hại lớn. Đây là khuyến cáo của Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên vừa đưa ra, sau khi phát hiện các mẫu dương tính với bệnh thân đỏ, mang đen, đốm trắng và một số bệnh khác như hoại tử gan tụy, đục thân…
Ông Lơ Quang Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho biết, hiện nay, cùng với việc tiến hành xử lý môi trường hồ nuôi bằng thuốc Cloramine, ngành thủy sản Phú Yên đề nghị các hộ dân chủ động tự lấy mẫu tôm đến các cơ sở xét nghiệm để kiểm tra chất lượng giống.
Ngoài việc phòng chống dịch bệnh, ngành chức năng các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra việc áp dụng các biện pháp đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh giống thủy sản, cơ sở nuôi tập trung, cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn; thực hiện công tác kiểm dịch, thu mẫu xét nghiệm mầm bệnh đối với tôm bố mẹ khi nhập vào cơ sở sản xuất giống, tuyệt đối không để giống mang mầm bệnh nhập vào địa phương./.