Hơn 2 năm nay, hình ảnh một cụ ông với mái tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu, tinh anh luôn ngồi bàn đầu dần trở nên quen thuộc với các thành viên lớp MBA khóa 2020. Người đặc biệt này là ông Trịnh Đức Chinh - học viên lớn tuổi nhất lớp với tinh thần học tập đáng ngưỡng mộ.
Chưa từng bỏ học buổi nào...
Chia sẻ về hành trình học thạc sĩ, ông Chinh cho biết, trường cách nhà gần 3km nên ông thường đi bộ. Những ngày mưa ngập, ông tự đi xe máy, đôi lúc vợ hoặc con gái cũng chở ông tới trường. Dù có chút khó khăn nhưng ông luôn là người tới lớp sớm nhất, cũng chưa từng bỏ buổi học nào.
Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giống như bao học viên khác, ông Chinh chuyển sang học bằng hình thức trực tuyến. “Trước nửa tiếng tôi đã sẵn sàng để vào lớp. Kể cả học online, tôi luôn nhắc bản thân phải ăn mặc đàng hoàng, tác phong nghiêm chỉnh vì sau máy tính là thầy của mình”, ông Chinh tâm sự.
Vì từng làm kỹ sư điện tử nên suốt quá trình học trực tuyến, ông không gặp trở ngại gì khi sử dụng máy tính. Ông cũng thường xuyên chọn lọc thông tin, tìm kiếm những báo cáo chính thống để làm tư liệu. “Tôi thấy hình thức nào cũng có cái hay, học trực tuyến thì phải lọ mọ tìm tài liệu, nhưng mình được rèn luyện kỹ năng tra cứu và tư duy kiến thức”, ông nói.
Là học viên U80, việc nhớ nhớ, quên quên cũng ảnh hưởng đến quá trình học tập của ông. Thế nhưng, ông Chinh vẫn vượt qua nhiều trở ngại tuổi tác để hoàn thành thêm một cột mốc mới trên chặng đường học tập.
Ngày 27/7 vừa qua, ông Chinh đã bảo vệ thành công luận tốt nghiệp thạc sĩ với đề tài "Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hàng không chung ở Việt Nam".
Để kết quả khảo sát của đề tài được chất lượng, ông đã tìm đến các khóa đào tạo liên quan để lấy ý kiến. “Dù ở Nha Trang hay Hà Nội tôi cũng bay ra và gửi bảng khảo sát tận tay từng người, ai chưa rõ thì tôi trao đổi và giải thích cặn kẽ mới thôi”, ông Chinh chia sẻ.
Bên cạnh “sự học suốt đời”, ông cũng là một người truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sau. Không chỉ có hơn 20 năm công tác tại Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, ông còn tham gia giảng dạy cho nhiều cán bộ, công nhân viên của nhiều doanh nghiệp.
Ở nhà ông Chinh còn là “thần tượng” của các cháu nội, cháu ngoại. Mỗi năm học mới, ông cũng mua thêm một bộ sách giáo khoa cho bản thân để tự nghiên cứu và giảng bài cho các cháu.
Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Học cùng lớp với những người “bạn” bằng tuổi con cháu mình, ông Chinh không những không gặp khó khăn về khoảng cách thế hệ. Ngược lại, nhờ kiến thức tích lũy qua hàng chục năm cùng tinh thần ham học hỏi, ông dần trở thành “đầu tàu” của lớp.
“Lớp cao học của tôi có nhiều bạn phải tất bật với gia đình, công việc, cuộc sống nên không thể tham gia đầy đủ các buổi. Tôi đã nghỉ hưu, khả năng nghe và tiếp thu tốt nên nắm vững bài giảng. Những hôm học nhóm hay sắp thi, nội dung nào các bạn chưa hiểu thì tôi truyền đạt, giải thích lại”, ông Chinh chia sẻ.
Ở độ tuổi mà mọi người chỉ mong an nhàn, vui vầy bên con cháu, ông lại lựa chọn theo đuổi con đường học vấn. Lý giải về điều này, ông Chinh cho hay hơn nửa cuộc đời ông học tập, công tác chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật, kiến thức xã hội còn nhiều thiếu sót. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, ông quyết định tiếp tục đi học để nâng cao trình độ, hiểu biết.
“Với tôi, học tập không phân biệt tuổi tác. Việc học là việc cần thiết suốt đời bởi tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú. Nếu chúng ta ngừng học tập thì sẽ bị lạc hậu, thụt lùi”, ông Chinh bày tỏ.
Vậy nên sau 2 năm nghỉ hưu, đầu năm 2012, ông quyết định nối lại con đường học vấn bằng việc theo học ngành Kế toán tài chính chương trình Đào tạo từ xa tại Đại học Trà Vinh. Thời gian này, con gái là người bạn cùng học, cùng tốt nghiệp với ông.
Kế đó, với mong muốn mở một văn phòng tư vấn luật miễn phí cho bà con, ông tiếp tục theo học ngành Luật chương trình Đào tạo từ xa tại Đại học Trà Vinh. Tuy nhiên, nguyện vọng này vẫn chưa thể hoàn thành vì thủ tục để mở văn phòng luật còn nhiều thủ tục khác nữa.
Tốt nghiệp Cử nhân Luật năm 2019, ông không cho phép bản thân nghỉ ngơi mà quyết định theo học chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh khóa 2020 của Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, ông xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra ngành Kế toán Tài chính, ngành Luật, và mới nhất là Thủ khoa Thạc sĩ Quản trị kinh doanh với điểm tổng kết 9.0.
Ông Chinh cũng thẳng thắn cho biết, đâu đó trong xã hội vẫn còn việc mua bán bằng cấp giả. Thế nhưng, cốt lõi của việc học là tri thức. Hành động “chạy” bằng, sử dụng bằng giả chính là “một con sâu làm rầu nồi canh”, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Dù đã ở tuổi xế chiều, sức khỏe có phần giảm sút nhưng tinh thần ông Chinh vẫn trẻ trung với niềm đam mê học tập. Ông tâm đắc câu danh ngôn: "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chốt và việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng". Có lẽ vì vậy nên tháng 10 tới, ông sẽ bắt đầu chương trình Tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
Không chỉ là tấm gương cho con cháu trong gia đình, ông Chinh còn truyền cảm hứng, động lực học tập cho thế hệ trẻ ngày nay./.