Cách đây 7 năm, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế do Ban Quản lý Dự án 4, Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư dài hơn 40km, trị giá 1.660 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Từ đó đến nay, tuyến này liên tục xảy ra bong tróc, hư hỏng mặt đường, nhất là khi xuất hiện mưa lớn. Ông Hồ Đức Trọng, ở thôn Nam Trạch, xã Lộc An, huyện Phú Lộc cho biết: Người dân sống dọc 2 bên đường đã quá quen thuộc với cảnh sau mưa là đắp vá, sửa đường hư hỏng: “3 năm nay đường sau một trận mưa, đường hư hỏng nhiều rất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Thứ nhất là tai nạn, thứ hai là xe cộ chạy qua độ rung quá lớn, tui là người dân ở ven Quốc lộ mong các cơ quan chức năng làm sao để sửa cho nó hoàn chỉnh dứt điểm, cứ vá xới, vá xới. Một năm mưa lụt đến là vá tới 2, 3 lần".

Sau đợt mưa kéo dài đầu tháng 10 vừa qua, trước tình trạng hư hỏng mặt đường trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận huyện Phú Lộc, đơn vị quản lý đã cho cắt các điểm nhựa hư hỏng, bong tróc để sửa chữa, khắc phục theo cách vá dập các ổ voi, ổ gà trên mặt đường. Tuy nhiên, đến nay tuyến này lại hư hỏng bong tróc.

Ông Trần Tuấn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An, huyện Phú Lộc cho biết, nhiều lớp bê tông nhựa vừa được thảm chưa đầy một tháng đã bị bong tróc, tạo ổ gà, ổ voi dày đặc mặt đường.

“Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Lộc An năm vừa rồi do tình hình thời tiết và mưa gió nên có hư hỏng một số đoạn. Các công ty cũng có cách khắc phục, nhưng hiện nay vẫn còn vấn đề hư hỏng. Cử tri các thôn trên địa bàn xã cũng có ý kiến đề nghị các công ty nên khắc phục để các tuyến đường đảm bảo cho việc giao thông đi lại', ông Trần Tuấn Việt nói.

Mới đây, Đoàn công tác của Cục Quản lý Đường bộ 2 đã đi kiểm tra thực trạng hư hỏng trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đoạn từ ngã ba La Sơn, xã Lộc Sơn vào đến đỉnh đèo Mũi Né, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, Đoàn công tác ghi nhận nhiều điểm hư hỏng bề mặt, với mật độ khá dày. Nhiều ổ gà sâu, rộng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là trong mùa mưa, đường trơn trượt, mặt đường ngập nước. Tại đây, ông Trần Quang Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 2 cho biết, dự án đưa vào khai thác từ tháng 10/2015, đến nay đã hết thời hạn bảo hành, hiện đã đến giai đoạn đại tu, sửa chữa. Khi xảy ra hư hỏng, đơn vị chức năng phải đặt biển cảnh báo, rào chắn tạm thời. Trước mắt, việc sửa chữa thực hiện theo phương án hỏng ở đâu, khắc phục hoàn trả tại vị trí đó, cào phần hư hỏng để thảm lại. Sau đó, tiến hành khắc phục sửa chữa, dập vá ngay khi thời tiết thuận lợi, để bảo đảm an toàn giao thông.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế cho rằng, trước đây, khi mưa bão mặt đường phát sinh ổ gà công ty tiến hành khắc phục khẩn cấp bằng phương án nhanh nhất có thể, để lưu thông tránh gây nguy hiểm trên tuyến. Hiện nay, đã có chủ trương của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ 2 cho phép khắc phục triệt để các vị trí thường xuyên phát sinh ổ gà bằng phương pháp cào bóc và thảm lại đường bằng bê tông nóng nên sẽ ổn định hơn.

“Hiện công ty đang tiến hành khắc phục sửa chữa. Có 2 giải pháp, giải pháp thứ nhất các vị trí rạn nứt nhẹ với ổ gà nhẹ thì tiến hành cào bóc 6 phân và hoàn trả lại bằng bê thông nhựa, các vị trí mà rạn nứt lớn, ổ gà dày đặc và sình lún sẽ xử lý bằng cách đào sâu 43cm sau đó xử lý từ móng lên sau đó thảm hai lớp trả lại mặt đường. Nếu như thời tiết thuận lợi thì đến ngày 20/12 đơn vị sẽ khắc phục xong", ông Vinh cho biết./.