Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có khoảng 97% dân số là đồng bào các dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông. Nằm ở độ cao trung bình từ 1.000 - 1.500m so với mực nước biển, khí hậu và thổ nhưỡng tại huyện Nam Trà My phù hợp để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng như đẳng sâm, đương quy, giảo cổ lam, quế Trà My, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Hiện, hơn 1.500 hộ trồng các loại cây dược liệu, trong đó, 1.200 hộ trồng cây sâm Ngọc Linh với tổng diện tích khoảng 1.650 héc ta. Phát triển dược liệu dưới tán rừng được xem là giải pháp then chốt giúp huyện miền núi cao này giảm nghèo bền vững.

Huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam từng là một trong số những huyện nghèo nhất cả nước thời điểm năm 2003. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của Nam Trà My đã giảm xuống chỉ còn hơn 24%. Công tác chăm lo các đối tượng chính sách người có công cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội luôn được địa phương quan tâm.

Những năm gần đây, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam liên tiếp chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Cuối năm 2020, nhiều trận sạt lở núi làm 19 người chết, 13 người mất tích, 33 người bị thương, 95 ngôi nhà bị vùi lấp, nhiều công trình hạ tầng dân sinh bị tàn phá nặng nề. Mùa mưa bão năm 2021, dù không bị thiệt hại về người, nhưng thiên tai đã làm hư hỏng nhiều cơ sở hạ tầng, các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn Nam Trà My. Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, chính quyền tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My đã nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống người dân miền núi.

Tại buổi làm việc với địa phương, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận những đổi thay về kinh tế - xã hội tại huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Phó Chủ tịch nước khẳng định, trong kháng chiến, Nam Trà My được chọn làm căn cứ Khu ủy Khu 5, đồng bào các dân tộc luôn thủy chung, son sắt một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, bám đất giữ làng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, đóng góp sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bước sang giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, từ ngày đầu tái lập huyện năm 2003, đồng bào huyện Nam Trà My tiếp tục nỗ lực thi đua, có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, dù là huyện miền núi với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, nhưng với nghị lực và tinh thần vượt khó đã giúp Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Nam Trà My từng bước vươn lên.

 “Thiên tai, bão lũ xảy ra hằng năm rất khó lường. Cần phải có thời gian, đưa ra giải pháp tốt nhất thì huyện Nam Trà My mới có thể vượt qua để phát triển. Chúng tôi sẽ có những kiến nghị phù hợp trên các diễn đàn của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, để làm sao sự đầu tư, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân các địa phương ngày càng tốt hơn”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.

Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đi thăm, trao 40 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng; tặng 11 ngôi nhà tình nghĩa, mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng cho hộ dân bị thiệt hại nặng do mưa lũ, sạt lở núi. Phó Chủ tịch nước động viên bà con miền núi Nam Trà My nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt để vươn lên trong cuộc sống.

Trong sáng nay, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà 2 gia đình thương binh, bệnh binh là bà Hồ Thị Bông và ông Nguyễn Văn Út tại thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My./.