Bên trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên dường như không có khái niệm về thời gian. Trong không gian đó, các thầy thuốc nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ hạnh phúc vỡ òa khi bệnh nhân thoát lưỡi hái tử thần, tới những giọt nước mắt xót xa, cảm giác bất lực khi chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân.

Có mặt ngay từ đầu mùa dịch và đã trực tiếp tham gia 5 đợt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, bác sĩ Võ Phi Bình, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên tâm sự: ở nơi điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch này, ranh giới giữa sống và chết lại mong manh, rõ rệt đến vậy, tất cả gần như được định đoạt chỉ trong một khoảnh khắc.

“Tâm lý bệnh nhân bị mắc Covid-19 cảm giác như là nằm trong sự sống và cái chết rất mong manh. Có một số bệnh nhân mặc dù bệnh chưa nặng nhưng người ta lo lắng quá nên làm cho tình trạng bệnh nặng lên cho nên số bệnh nhân đó mình phải động viên, hỗ trợ tâm lý. Còn số bệnh nhân nặng, ngoài điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế thì mình cũng phải cố gắng hỗ trợ những biện pháp hô hấp và những biện pháp điều trị tích cực để cố gắng dành giật sự sống cho người ta và thực tế thì cũng rất nhiều bệnh nhân nặng được điều trị hiệu quả”, bác sĩ Bình chia sẻ.

Hiện tại, khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng có hơn 80 người đang  điều trị. Đa số là bệnh nhân lớn tuổi kèm các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ gan...

Điều dưỡng Nguyễn Thị Lộc cho biết, bệnh nhân là người già yếu, nhiều lúc trí nhớ kém, lẫn lộn, lúc nhớ lúc quên. Khi mắc bệnh, các bệnh nhân này dễ cáu gắt hơn. Một vài bệnh nhân khó tính, không muốn điều trị, không muốn ăn và chỉ muốn về nhà. Điều dưỡng phải dỗ dành, lựa lời để khuyên họ tuân thủ điều trị, nhất là chế độ dinh dưỡng hàng ngày, vì khi mắc bệnh này họ mất vị giác và khứu giác nên không muốn ăn uống gì. Ngoài công việc hỗ trợ người bệnh ăn uống, các điều dưỡng hàng ngày phải thay bỉm, dùng khăn ẩm lau sạch cơ thể, vỗ lưng cho bệnh nhân dễ thở....

“Bệnh nhân vào đây toàn là những bệnh nhân nặng lại không có người thân bên cạnh nên em thấy rất thương họ. Mình cứ làm hết mình, có khi vừa thực hiện thuốc rồi chạy lại cho bệnh nhân uống sữa, cho ăn cứ chăm sóc theo từng giờ từng giờ như vậy, cứ thấy họ thiếu thốn gì hoặc họ cần gì thì lúc nào tụi em cũng ở bên cạnh. Tụi em vẫn hay tới để động viên bệnh nhân là cứ cố gắng lên vượt qua rồi còn về với gia đình. Có những bệnh nhân rất to, người ta không cử động được, tụi em phải làm tự vệ sinh cá nhân đến việc lăn trở qua để thay bỉm thay tã thì rất cực, nhưng tụi em vẫn phải cố gắng”, chị Lộc nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng tất cả bệnh nhân đang điều trị ở đây đều được giám sát chặt chẽ. Bởi nếu chỉ sơ xảy một phút giây, nếu dây mask thở oxy của bệnh nhân bị tuột trong lúc ngủ có thể dẫn đến tử vong. Do đó, nhân viên y tế không được phép rời mắt khỏi bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Dũng, từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao nên áp lực công việc cũng rất lớn. Các bác sĩ khi rảnh tay có thể gồng ghánh công việc điều dưỡng, điều dưỡng hỗ trợ công việc của hộ lý, không phân biệt nhiệm vụ nào là của ai. Có những lúc bệnh nhân này diễn tiến nguy kịch, bệnh nhân kia đặt nối khí quản gấp, tất cả cùng lao vào cuộc, dốc sức níu giữ sự sống người bệnh.

“Sau Tết số lượng bệnh nhân tăng lên rất nhiều, trong những ngày gần đây tăng đột biến, quá tải, công việc, áp lực cũng tăng lên nhiều lần. Hiện tại tình trạng bệnh nhân nặng, lớn tuổi, nhiều bệnh nền khá đông, công việc cũng nặng nề hơn. Bác sĩ không ai mong muốn việc tử vong. Với bệnh nhân có thể trạng già yếu lại có bệnh nền kèm theo, nếu mình đã cố gắng hết sức điều trị hết lòng rồi nhưng người ta vẫn không qua khỏi thì đó là lúc đau đớn nhất, nhiều khi cảm thấy bất lực”, bác sĩ Dũng bày tỏ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hồng Nhựt, trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, phụ trách khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cho biết, kể từ tháng 8/2021 đến nay khu điều trị phân tầng 3 trở thành "pháo đài cuối cùng" thu dung, điều trị các bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền và mức độ nguy kịch tại Đắk Lắk.

Đến nay, Khu điều trị đã tiếp nhận gần 600 bệnh nhân, chữa khỏi và chuyển xuống tầng 2 gần 400 trường hợp. Cao điểm có gần 100 bệnh nhân đang điều trị. Bệnh nhân nặng đông, cường độ công việc cao nhưng mỗi thầy thuốc trong khu điều trị đều mang theo quyết tâm sẽ giúp người bệnh vượt qua lằn ranh sinh tử để trở về đoàn tụ cùng gia đình.

“Số lượng bệnh nhân vào điều trị tại khoa rất đông và cho đến bây giờ chúng tôi đang cố gắng nỗ lực tối đa chỉ để tỷ lệ tử vong là 0,54%, trong đó tỷ lệ tử vong toàn quốc là 1,5% và trên thế giới là 1,4%. Không dám nói là tự hào mà đó là sự nỗ lực tối đa của tất cả các anh chị em trong đơn vị, trong khoa phòng bởi lẽ còn nhiều thiếu thốn ảnh hưởng đến vấn đề điều trị nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng tối đa”, bác sĩ Nhựt cho hay.

Bệnh nhân bình an ra viện được trở về đoàn tụ với gia đình đó là niềm vui lớn nhất của những người thầy thuốc trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Dù cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, những khó khăn vất vả vẫn còn nhiều ở phía trước, song với sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm với người bệnh, họ sẽ luôn là lá chắn thép để bảo vệ các bệnh nhân dưới lưỡi hái của tử thần, mang lại bình yên cho cuộc sống./.