Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP, trước đó, Sở Y tế đã tổ chức các buổi gặp gỡ các bác sĩ mới tốt nghiệp tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược TP.HCM để giới thiệu chương trình thí điểm thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn và khám chữa bệnh đa khoa.
Theo đó, các bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp sẽ thực hành 12 tháng tại trạm y tế dưới sự hướng dẫn chuyên môn và hướng dẫn thực hành của các bác sĩ bệnh viện đa khoa hạng 1 tuyến thành phố (theo phân công của Sở Y tế). Thời gian 6 tháng còn lại, các bác sĩ trẻ này sẽ trở về thực hành tại các bệnh viện. Các bác sĩ sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí thực hành và được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt, dự kiến 60 triệu đồng cho 12 tháng thực hành tại trạm y tế. Mức hỗ trợ này dự kiến được Hội đồng nhân dân TP xem xét và thông qua trong kỳ họp sắp tới.
Ngay sau khi được phổ biến, đã có hơn 300 bác sĩ trẻ đăng ký tham gia. Tuy nhiên, một số người đã trúng tuyển bác sĩ nội trú tại trường, nên còn 297 người. Sau khi hoàn thành chương trình này, các bác sĩ trẻ sẽ được nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe hướng về cộng đồng, năng lực phòng bệnh, hoạt động xã hội, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân và bổ sung nguồn nhân lực y tế cho thành phố.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết: "Có 6 tháng để các bệnh viện tập huấn cho các bác sĩ này trước, trong hoặc sau khi các bác sĩ xuống trạm y tế. Trong thời gian thực hành tại trạm y tế, các bác sĩ được kết nối liên thông với các thầy, cô ở các bệnh viện lớn để hướng dẫn. Vì vậy chúng tôi tin rằng các bác sĩ trẻ sẽ dần có năng lực sau khi thực hành tại trạm y tế".
Tham gia chương trình bác sĩ trẻ về y tế cơ sở, Phạm Vĩnh Anh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, sẽ về thực hành 18 tháng. Trong đợt dịch vừa qua, Vĩnh Anh từng tham tổ tư vấn từ xa, theo dõi F0 tại nhà, họp trực tuyến với các trạm y tế, nên cũng nhận thấy áp lực không nhỏ của y tế tuyến cơ sở.
"Em thấy đây cũng là cơ hội cho em học tập, trước hết là một môi trường rèn luyện tốt. Cái lo nhất là làm sao không bị sót bệnh vì bây giờ em không phải là sinh viên thực tập nữa, mà sẽ phải tự chịu trách nhiệm với những gì mình làm", bác sĩ Phạm Vĩnh Anh chia sẻ.
Có mặt tại UBND quận 12, một trong các địa phương tiếp nhận bác sĩ trẻ tăng cường trong đợt này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP đã trải qua những ngày tháng cam go khốc liệt để ứng phó với đại dịch COVID-19, đã nhận ra điểm yếu là hệ thống y tế cơ sở cần sớm được củng cố và xem đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Từ giữa tháng 9, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và ngành y tế đã họp bàn, ban hành nghị quyết liên quan đến vấn đề này.
Theo ông Nên, việc đưa bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp về tăng cường nhân lực cho trạm y tế là sáng kiến quan trọng mang tính bước ngoặt. Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu Sở y tế phối hợp các đơn vị sớm ban hành quy chế, quy định để các bác sĩ trẻ thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm được giao. Đồng thời tham mưu cho lãnh đạo thành phố để ban hành quy định mang tính pháp lý để các bác sĩ trẻ làm việc khi chưa đủ điều kiện hành nghề theo quy định.
"Sớm tham mưu ban hành chính sách đãi ngộ về lương, chế độ phụ cấp, để tạo cơ hội cho các bạn yên tâm cống hiến, yên tâm học tập, phát triển nghề nghiệp trước mắt và lâu dài, không để các bác sĩ phải thiệt thòi so với các khóa khác, các trường khác", ông Nên chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu Sở Y tế, quận huyện và TP Thủ Đức, các bệnh viện, y tế cơ sở thường xuyên theo dõi kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh để tháo gỡ vướng mắc; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm toàn diện để chuẩn bị cho các đợt tiếp theo, đưa bác sĩ trẻ về tăng cường cho y tế cơ sở./.