Nhờ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nên người dân, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Số người ra đường giảm rõ rệt, tình hình buôn bán kinh doanh đã thu hẹp, đảm bảo khoảng cách an toàn; tình trạng tụ tập đông người tại các cửa hàng, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh đã được khắc phục.
UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các sở, ngành, các cấp chủ động chuẩn bị các phương án, giải pháp hiệu quả và cung cấp đầy đủ các hàng hóa thiết yếu cho nhân dân. Các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan, đơn vị, cá nhân lơ là, không thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Tại tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh có văn bản quy định không cho người từ địa phương khác vào địa bàn tỉnh. Riêng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở tỉnh Tiền Giang phần lớn đã có phương án “3 tại chỗ” đảm bảo an toàn dịch bệnh và ổn định sản xuất; tạm hoãn công việc chưa cấp thiết của các cơ quan nhà nước để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo cấp huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16; chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm việc liên tục, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật; bố trí trực 24/24 giờ để xử lý và chỉ đạo kịp thời các vấn đề có liên quan trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Qua một ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đánh giá ý thức của người dân đã được nâng lên. Trên đường phố, vùng nông thôn, số lượng người đi ra cũng hạn chế bớt. Về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phương án “3 tại chỗ” ở tỉnh đã triển khai sớm hơn các địa phương khác”.
“Chúng tôi vẫn bám theo quan điểm là thực hiện để đạt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch mà vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, cố gắng duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đến giờ này trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định”, ông Trọng đánh giá.
Tại tỉnh Hậu Giang, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại, ngoài hệ thống 72 chợ truyền thống, tỉnh Hậu Giang còn có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 28 cửa hàng bách hóa, phân bố đều trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay...
Đối với các nơi có chợ đã bị phong tỏa, Sở Công thương tỉnh phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị có liên quan như: Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, trung tâm thương mại, siệu thị, Cửa hàng Bách hóa xanh tổ chức bán hàng hóa đến tay người tiêu dùng, bằng nhiều hình thức phù hợp như bán hàng online, qua điện thoại...
Bên cạnh đó, Sở Công thương còn phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh Hậu Giang và các sở ngành, địa phương có liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu đến các chợ, trung tâm thương mại, siệu thị... để cung ứng, phục vụ kịp thời cho nhân dân.
Hiện các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân không quá lo lắng đổ xô đi mua hàng hóa thiết yếu tích trữ, mà nên giữ bình tĩnh, mua sắm hợp lý, đặc biệt là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tính đến thời điểm này, Hậu Giang chưa xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng hóa để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
“Chúng tôi yêu cầu Sở Công thương cùng phối hợp Sở Nông nghiệp để kết nối làm sao hàng nông sản của người dân Hậu Giang sản xuất ra vào các cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt của người dân. Chúng tôi cũng yêu cầu Sở Công thương phối hợp Cục Quản lý thị trường quản lý chặt chẽ hàng giả, hàng nhái và nâng giá không phù hợp”, ông Tuyên cho hay.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại Cần Thơ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường thực hiện công tác truy vết, khử khuẩn, chuẩn bị cơ sở vật chất, hoá chất để đảm bảo phục vụ có hiệu quả công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19. Sở Y tế được chỉ đạo phối hợp cùng Sở TT&TT trong việc ứng dụng ngay phần mềm truy vết.
Ngoài ra, Sở Y tế phải đảm bảo thực hiện việc tiêm vắc xin cho người dân thành phố nhanh chóng, an toàn. Đảm bảo tất cả các ca nhiễm được tiếp nhận, điều trị; chỉ đạo các bệnh viện được giao điều trị bệnh nhân Covid-19 phải đủ số giường.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo kích hoạt và điều hành hoạt động Bệnh viện dã chiến tại quận Bình Thủy với quy mô 100 giường. Đến thời điểm này, bệnh viện này đã đi vào hoạt động tiếp nhận các bệnh Covid-19 nhẹ và vừa trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường đại học Y dược Cần Thơ sẵn sàng đưa Bệnh viện dã chiến của Trung ương vào hoạt động. Thành phố cũng đề nghị Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Nghiên cứu, thí điểm áp dụng cách ly tại nhà đối với F1. Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Công thương phải đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu phục nhu cầu của người dân thành phố.
Tính đến 17 giờ ngày 18/7, Cần Thơ đã ghi nhận 138 ca mắc Covid-19; số trường hợp đang cách ly tập trung là 1.605 người và số người đang theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú là 4.277 trường hợp.
Trước hình dịch đang diễn biến phức tạp có thể lây lan trên diện rộng, nhằm đảm bảo khả năng đáp ứng và tiếp nhận cách ly, UBND TP giao Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, UBND các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Phong Điền, Cờ Đỏ… kích hoạt ngay 13 điểm cách ly còn lại.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao Bộ Chỉ huy quân sự phối hợp với các đơn vị có liên quan, chủ động làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ tiến hành khảo sát những địa điểm có khả năng thành lập khu cách ly mới./.