Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10/11, đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội đã đặt câu hỏi về thời gian vaccine của Việt Nam được cấp phép lưu hành.

Kỳ vọng sớm có vaccine của Việt Nam

Trả lời câu hỏi về thời gian cụ thể vaccine Covid-19 của Việt Nam sẽ được phê duyệt và đưa vào sử dụng của đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết hiện trong nước có 2 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.

Về vấn đề cấp phép, ông Long cho biết Bộ Y tế chỉ cắt ngắn những thủ tục về mặt hành chính còn về chuyên môn và an toàn phải đảm bảo tối đa trên cơ sở xem xét của Hội đồng Y đức và Hội đồng Cấp phép. Hai hội đồng này thời gian qua liên tục làm việc, hướng dẫn bổ sung dữ liệu với các nhà sản xuất để có thể cấp phép.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng sớm có vaccine của Việt Nam để sớm chủ động được nguồn vaccine”, ông Long nói.

Ưu tiên phủ vaccine cho toàn bộ dân số

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, đoàn Bình Thuận đề nghị tư lệnh ngành Y tế nêu nguyên tắc phân bổ vaccine khi hiện nay ở một số địa phương người dân chưa có mũi 1 vaccine Covid-19 trong khi có địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm cho trẻ em và tính đến mũi 3.

Đại biểu Lưu Văn Đức, đoàn Đắk Lắk lại băn khoăn về công tác dự báo diễn biến dịch thời gian qua đã đạt kết quả ra sao và Bộ Y tế dự báo diễn biến dịch từ nay tới năm 2022 sẽ như thế nào?

Đồng thời đại biểu đoàn Đắk Lắk cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích vấn đề chậm tham mưu chiến lược triển khai vaccine Covid-19 và tính công bằng trong phân bổ vaccine bởi có những địa phương đã hoàn thành tiêm cho trẻ em và có địa phương chuẩn tiêm mũi 3, trong khi đó nhiều tỉnh thành ở miền Trung, Tây Nguyên vẫn chưa có đủ vaccine để tiêm.

Giải đáp vấn đề nguyên tắc phân bổ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết việc phân bổ vaccine dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và đối tượng ưu tiên. Vì vậy, Bộ ưu tiên cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước; thứ hai là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật đô dân cư lớn… Ngoài ra, cũng tập trung cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất.

Việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói trước mắt sẽ ưu tiên cho địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ mũi 1 vaccine trong phạm vi toàn quốc.

“Đến hiện tại, Bộ Y tế mới có kế hoạch tiêm mũi 3 nhưng chưa triển khai và dự kiến thực hiện sớm nhất vào cuối tháng 12. Song mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ vaccine cho toàn bộ dân số nhanh nhất. Dự kiến là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Lúc đó, chúng ta mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền…”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Bộ Y tế thừa nhận mua vaccine chậm

Trả lời chất vấn về triển khai chiến lược vaccine, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận “chúng ta tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn”, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam tiếp cận vaccine từ tháng 9/2020 khi làm việc và thỏa thuân với COVAX. 2 tháng sau chúng ta đã có thỏa thuận với AstraZeneca cung ứng 30 triệu liều. Sau đó thúc đẩy nghiên cứu sản xuất trong nước, nhưng theo ông Long, yếu tố khách quan là khan hiếm vaccine toàn cầu suốt năm qua. Một số nước phát triển mua với số lượng rất lớn.

“Đây là vấn đề bất bình đẳng trong cung ứng vaccine toàn cầu khi họ đặt hàng cao hơn như cầu sử dụng”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Y tế cũng nêu nhiều khó khó khăn trong việc mua vaccine, khi cam kết thoả thuận mua phải vượt qua rào cản về pháp luật, chấp nhận tất cả điều kiện của bên bán mà không được thương thuyết. Chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro vì giao hàng chậm, không được trả lại do vaccine không đảm bảo hay việc giao hàng không đúng thời hạn.

“Bộ Y tế nhận trách nhiệm và đã triển khai thời gian qua để có vaccine trong 2021 và 2022”, ông Long nói./.