Chiều 9/12, trả lời chất vấn về các dự án chậm tiến độ triển khai, Giám đốc Sở TN-MT Bùi Duy Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm. Kết quả, hiện 379 dự án đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó: 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.
Qua thanh tra kiểm tra đã có tác động tích cực, chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đưa đất vào sử dụng. Nguyên nhân khách quan là do: Chính sách quy định liên quan đất đai quy hoạch có nhiều thay đổi; chờ rà soát theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; tình hình dịch bệnh… Nguyên nhân chủ quan: Nhận thức, ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở, ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết 383 dự án HĐND thành phố đã có ý kiến, hiện nay, các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện. Đối với 61 dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh, có nguyên nhân chính là do khi sáp nhập năm 2008, thành phố tạm dừng các dự án để điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra còn do công tác GPMB, giao đất dịch vụ, năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, Sở TN-MT đã lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể các dự án với tinh thần tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với các dự án, quan trọng nhất là đưa đất vào sử dụng. Các dự án nào do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi.
Liên quan đến các dự án nhà máy xử lý rác chậm tiến độ trên địa bàn thành phố. Cụ thể, dự án nhà máy xử lý rác thải rắn ở huyện Phú Xuyên dự án nhà máy rác tại thị xã Sơn Tây dự án nhà máy xử lý rác Núi Thoong, huyện Chương Mỹ,
Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải rắn ở huyện Phú Xuyên chậm tiến độ, Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài. Sau đó, Thành phố có chủ trương chuyển đổi công nghệ, tăng quy mô diện tích từ 4,8ha lên 20ha. Hiện nay, Công ty Cổ phần Môi trường Thăng Long đã liên hệ với huyện Phú Xuyên, cam kết thực hiện giải phóng mặt bằng. Thành phố đã chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thanh tra dự án và Sở đã thực hiện thanh tra, có kết luận nêu rõ nguyên nhân chậm của dự án.
“Thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư có phương án triển khai, cam kết tiến độ. Sở KH-ĐT đã 3 lần yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, chủ đầu tư nêu lý do dịch bệnh. Quá hạn thời gian do với yêu cầu của Thành phố, tới đây, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính và nếu tiếp tục chậm trễ lần 2, chúng tôi sẽ kiến nghị Thành phố thu hồi dự án” – ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến việc nhà đầu tư lúng trong việc lựa chọn công nghệ, ông Nguyễn Hồng Sơn Giám đốc Sở KH-CN cho biết, các dự án xử lý chất thải rắn đều đã được Sở thực hiện theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, theo 2 giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Đối với các công nghệ điều chỉnh thực hiện ở giai đoạn quyết định đầu tư, theo quy định việc thẩm định phải căn cứ quyết định chủ trương đầu tư, do đó trong quá trình thực hiện các dự án kéo dài thường các công nghệ ở giai đoạn chủ trương đầu tư đã cũ phải điều chỉnh. Với những dự án đủ điều kiện và thủ tục đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở thực hiện theo đúng quy trình không có vướng mắc.
“Một số dự án hiện chưa thẩm định về công nghệ vì chưa được phê duyệt lại chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư, nên chưa có căn cứ để thực hiện thẩm định cho ý kiến về công nghệ - chúng tôi đều đã hướng dẫn nhà đầu tư phối hợp Sở KH&ĐT để phê duyệt lại chủ trương đầu tư” - Giám đốc Sở KH-CN cho biết.
Đối với Nhà máy điện rác Seraphin trên địa bàn Thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết nhà máy này có công suất 1.500 tấn ngày đêm, sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. “Sở Xây dựng đã chủ động chuẩn bị đầu tư như chuẩn bị mặt bằng, các thỏa thuận đấu nối hạ tầng, thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở. Nhà đầu tư đã cam kết tiến độ, dự kiến công trình sẽ khởi công trong quý I/2022” - ông Võ Nguyên Phong nói.
Về về Dự án nhà máy xử lý rác Núi Thoong, huyện Chương Mỹ, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, công nghệ tại nhà máy xử lý rác Núi Thoong thời điểm đó là phân loại, tách ủ, công nghệ đã lạc hậu, trong quá trình triển khai thực hiện gặp phải chưa đồng thuận của người dân, chậm giải phóng mặt bằng. Thành phố đã giao xem xét lại công nghệ, tập trung tuyên truyền, thuyết phục người dân.
Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ, các sở, ngành rà soát tổng công suất xử lý rác trên địa bàn, để đề xuất nâng công suất điều chỉnh quy hoạch. Sở cũng phối hợp địa phương để thông tin để người dân hiểu, ủng hộ các dự án xử lý rác thải trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ GPMB đáp ứng việc xây dựng kịp tiến độ.
Cũng liên quan đến dự án tại Chương Mỹ, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết, với dự án xử lý chất thải rắn ở Núi Thoong, Huyện đã hoàn thành các công tác GPMB, đã kiến nghị lựa chọn nhà đầu tư đặc biệt liên quan lựa chọn công nghệ đáp ứng yêu cầu hiện nay, tránh công nghệ cũ lạc hậu dẫn đến người dân đồng thuận không cao. Trách nhiệm của huyện đã thực hiện xong.
“Với dự án Đồng Ké, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, chúng tôi đang cùng cơ quan chức năng xây dựng tuyến đường vào khu xử lý này, nhưng trong quá trình triển khai xây dựng gặp phản ứng của người dân, nên đã tập trung tuyên truyền tạo đồng thuận. Xác định đây là dự án trọng điểm của huyện và Thành phố, huyện đã thành lập các tổ công tác và phối hợp cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thăm các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến như ở Cần Thơ… Với 2 dự án này, các cơ quan Thành phố đang quyết liệt lựa chọn nhà thầu và công nghệ. Trên địa bàn Chương Mỹ có 2 dự án xử lý rác thải, mong thời gian tới, được xem xét đánh giá có điều kiện thì được nâng công suất xử lý” - Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, trung bình mỗi ngày, Hà Nội thu gom khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện nay, nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến ở Sóc Sơn tiến độ chậm. Thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo triển khai các nhà máy xử lý rác thải, và tới đây, Thành phố sẽ giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát lại quy hoạch các khu chứa rác thải trên địa bàn; quý I/2022, có thể phê duyệt được điều chỉnh.
Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải triển khai ở Phú Xuyên, đề nghị Sở KH-ĐT kiểm tra năng lực nhà đầu tư, nếu Công ty Môi trường Thăng Long không đảm bảo yêu cầu, có thể thu hồi lại dự án./.