Theo đó, từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 62 ca mắc ngoài cộng đồng (F0) liên quan đến 8 chùm ca bệnh, trong đó, 6 chùm ca bệnh liên quan 30 F0 cơ bản đã được kiểm soát.
2 chùm ca bệnh liên quan 32 F0 đang tích cực tập trung triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, dập dịch gồm: Chùm ca bệnh liên quan đến huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh: 14 F0 tại các quận huyện như Gia Lâm, Hà Đông, Thanh Oai, Hai Bà Trưng, và 215 F1 đây là chùm ca bệnh rất phức tạp với số ca mắc cao và tốc độ lây nhanh, tuy nhiên với sự thần tốc, truy vết, khoanh vùng xử lý dịch, cơ bản khống chế sự lây lan (2 ngày nay không phát sinh ca mới).
Chùm ca bệnh liên quan đến thành phố Đà Nẵng mới: 18 F0. Có 02 phân chùm: Phân chùm 1 (tâm dịch tại huyện Thường Tín): Phân chùm 2 liên quan đến 2 vợ chồng về từ Đà Nẵng ngày 2/5 tại tòa nhà Center Point 27 Lê Văn Lương có 4 F0. Tâm dịch này cũng đang được khẩn trương tiếp tục điều tra truy vết.
Theo UBND TP đây là nguy cơ rất lớn lây lan dịch bệnh ngoài cộng đồng, Thành phố xác định trong vòng 48 giờ, quyết liệt triển khai các biện pháp, truy vết, khoanh vùng, xử lý dịch để kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội đã liên tục có những chỉ đạo kịp thời để khanh vùng dập dịch, từ đó tình hình dịch bệnh ở các điểm nóng như: Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Thanh Oai… đều có diễn biến tích cực.
UBND TP nhận định, ngoài một số ổ dịch phát hiện tại một số Bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố, tại một số tỉnh lân cận đã ghi nhận các ca nhiễm tại một số nhà máy sản xuất quy mô lớn trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, trong đó bao gồm người lao động, chuyên gia hiện cư trú trên địa bàn Hà Nội, và một lượng lớn người dân Thủ đô thường xuyên di chuyển, giao thương qua nhiều tỉnh, thành trong đó có nhũng khu vực ghi nhận nhiều ổ dịch phức tạp; đây là mối nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.
Từ đó, UBND TP Hà Nội đề nghị 3 nội dung quan trọng để ngăn dịch bệnh xâm nhập. Cụ thể, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo cho các tỉnh, thành phố trong cả nước để thống nhất chỉ đạo triển khai hướng dẫn việc áp dụng các quy định trong việc xử lý nghiêm các vi phạm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.
Với việc quản lý các phương tiện vận chuyển hành khách, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh với Thành phố khi tình hình dịch bệnh có diễn biến tiếp tục phức tạp: Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện phải thông tin ngay danh sách cụ thể các trường hợp F0 của các bệnh viện cho các địa phương để điều tra truy vết, danh sách phải cụ thể, rõ ràng, chính xác địa chỉ, số điện thoại liên hệ để kịp thời truy vết phát hiện ca bệnh.
Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh lân cận, đặc biệt tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất gồm các nhà máy sản xuất quy mô sản xuất và lượng lao động rất lớn. Nhằm đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội; Hà Nội đề xuất các địa phương lân cận kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng phương án hạn chế thấp nhất biến động lực lượng lao động di chuyển giữa các tỉnh, thành phố.
Lập danh sách, lưu trữ, trao đổi thông tin người lao động, chuyên gia làm việc tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất trên địa bàn các tỉnh lân cận, hiện đang cư trú trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác, trong đó có Hà Nội.
Cập nhật thông tin phương tiện và đơn vị kinh doanh vận tải có hợp đồng vận chuyển người lao động, chuyên gia tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất (biển kiểm soát, chủng loại xe, hành trình vận tải, thời gian đi và đến).
Hà Nội cũng đề nghị yêu cầu người dân khi di chuyển từ các tỉnh, thành phố có dịch đến tỉnh, thành phố khác và ngược lại phải thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế trước mỗi chuyến đi, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương có liên quan./.