Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk có diện tích gần 27.000ha, tiếp giáp với hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Đây là Khu bảo tồn còn nhiều loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và nhiều loại gỗ quý như trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te... Cũng vì thế mà nhiều năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô luôn là điểm nóng về vi phạm lâm luật.
Gắn bó với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô từ ngày mới thành lập, ông Trần Kim Châu nhân viên trạm kiểm lâm số 8 cho biết, trạm có 5 người quản lý, bảo vệ gần 4.000 ha rừng, trong đó có tiểu khu giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Thường vào mùa khô, nhất là cuối năm tình trạng vi phạm của người dân sinh sống quanh khu bảo tồn tăng cao. Họ luôn tìm mọi cách vào rừng để săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ quý bán cho các đầu nậu. “Người trực tiếp tại rừng rất vất vả khi đi làm không kể ngày đêm. Khi đi kiểm tra gặp nơi khai thác phải nằm phục mấy ngày liên tục trong rừng, áp lực đối đầu với lâm tặc, săn bắn trực tiếp. Tuy rằng vất vả, đồng lương thu nhập thấp nhưng anh em ở đây rất quyết tâm, nếu không quyết tâm không bao giờ ở lại được lâu dài”.
Tại Trạm kiểm lâm số 4, đơn vị quản lý, bảo vệ hơn 3.000 ha rừng, lâm tặc thường xuyên xâm nhập bằng đường bộ và đường thuỷ để khai thác lâm sản. Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó trạm kiểm lâm số 4 cho biết, hiện sóng điện thoại có khắp nơi nên họ thường cắt cử người theo dõi các trạm, khi thấy lực lượng giữ rừng tổ chức đi kiểm tra thì gọi điện báo tin khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của các nhân viên gặp rất nhiều khó khăn: “Công tác bảo vệ rừng của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, sông suối nhiều, lâm tặc ở đây rất manh động. Lâm tặc thường xuyên cử người canh trạm chúng tôi, bám sát coi có bao nhiêu người để lợi dụng lúc mưa gió, chúng tôi kiểm tra chưa kịp thì họ xâm nhập. Có hôm chúng tôi để xe lại, sắp xếp đông người, bật điện nghi binh cắt rừng đi phục để bắt. Chúng tôi cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ”.
Theo ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, năm 2021 lực lượng giữ rừng tại khu bảo tồn đã phát hiện, xử lý 23 vụ vi phạm với 30 đối tượng, trong đó chuyển Hạt Kiểm lâm Ea Kar 17 vụ với 24 đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật: “Tại vùng giáp ranh tiếp giáp với hai tỉnh bạn thì số lượng người dân sống tại vùng đệm tương đối lớn trên 20.000 nhân khẩu. Đời sống người dân tại nơi đây rất là khó khăn, kết hợp với thời gian qua xảy ra đại dịch Covid-19 lại làm cho đời sống của người dân càng khó khăn. Việc người dân đi tìm mưu sinh ở trong rừng từ đó làm cho áp lực lên tài nguyên rừng của đơn vị rất lớn. Thứ hai về lực lượng bảo vệ rừng lại mỏng. Khu bảo tồn đã xảy ra rất nhiều trường hợp, anh em đã bị các đối tượng bắn, đâm nhiều nhát vào người nhưng về sau này không có chế độ gì cả. Đã rất nhiều đồng chí cũng muốn xin chuyển công tác, xin nghỉ việc. Cũng mong các cấp các ngành xem xét cần sớm có những chính sách điều chỉnh cơ chế cho phù hợp”.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng tại chỗ hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ giữ rừng đã sa ngã và phải đền tội khi bắt tay với lâm tặc. Nhưng với tình yêu rừng xanh 70 viên chức, người lao động Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô hàng ngày vẫn bám trụ cố gắng vượt qua khó khăn để tuần tra bảo vệ cánh rừng già Ea Sô./.