Cắt nốt, giảm chuyến để hạn chế thua lỗ đang là bài toán được nhiều doanh nghiệp tính đến, nhằm đảm bảo duy trì sự phát triển chung của các địa phương trong thời gian này.
Sau thời gian dài tạm dừng hoạt động, từ khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới thích ứng linh hoạt, kiểm soát tốt dịch COVID-19, Bến xe khách tỉnh Lai Châu đã có gần 20 tuyến đường dài cố định liên tỉnh hoạt động trở lại, với 11 tuyến hoạt động 100% tần suất mỗi ngày, số còn lại thì hoạt động 50%. Tuy nhiên thực tế hiện nay chỉ có 50% số chuyến cho phép là hoạt động trở lại. Theo nhiều doanh nghiệp vận tải địa phương, nguyên nhân dẫn đến cắt giảm tần suất các phương tiện và hạn chế số chuyến hoạt động là do thu không bù chi.
Ông Trần Mường Thanh, Giám đốc Công ty THHH một thành viên Việt Anh LC cho biết, hiện doanh nghiệp có hơn 40 đầu xe hoạt động vận tải khách các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh, trong đó có 10 chuyến đi và về các tỉnh Nghệ An, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh và Hà Nội. Các tuyến liên tỉnh của đơn vị hiện được phép hoạt động 100% tần suất và tải trọng, nhưng hầu như chuyến nào doanh nghiệp cũng phải bù lỗ.
"Hiện nay rất khó khăn, thứ nhất là hành khách đi lại ít, giá dầu thì tăng cao như hiện nay thì doanh nghiệp thu không bù chi, các chuyến thường xuyên thua lỗ. Các tuyến từ Lai Châu đi các tỉnh thì chạy trên cao tốc nhiều, phí cao tốc rất lớn nên đội chi phí lên rất nhiều, như tuyến từ Lai Châu đi thành phố Vinh (Nghệ An) cả đi và về mất gần 2 triệu tiền phí. Chưa nói gì đến các phần chi phí theo thời gian của 1 tháng, doanh nghiệp tính bình quân đã lỗ từ 500 đến 700 triệu lãi ngân hàng", ông Thanh nói.
Cũng như Công ty TNHH một thành viên Việt Anh LC, có gần chục chuyến được phép hoạt động trong kế hoạch, nhưng hiện nay nhà xe Ngân Hà tại Lai Châu cũng chỉ duy trì mỗi ngày 3 chuyến. Đại diện đơn vị này cho biết, sở dĩ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải chủ động giảm tần suất phương tiện là để giảm thua lỗ. Mặc dù ngân hàng cũng đã giãn nợ, nhưng chỉ giãn từ kỳ trước sang kỳ sau. Nếu chạy đủ số chuyến, đơn vị không những phải bù lỗ, mà ngân hàng cũng sẽ thu nợ của đơn vị.
Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty THHH một thành viên Ngân Hà chia sẻ, trong thời gian nghỉ dịch, nhà nước cũng không miễn cho các doanh nghiệp phí bảo trì mà chỉ được giảm 30%. Dù đã được hoạt động trở lại, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa ổn định và người dân vẫn lo ngại khi di chuyển bằng xe khách, nên các chuyến xe đều trống khoảng 3/4 số giường.
"Các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét làm sao để giảm những chi phí cố định cho doanh nghiệp như là phí bảo hiểm hay phí bảo trì. Thời gian vừa qua có những tuyến chúng tôi phải tạm dừng tới 5 tháng, mỗi tháng bình quân một đầu xe phải chịu chi phí 600.000 phí bảo trì đường bộ, nhưng vừa rồi nhà nước mới giảm được 30% của 3 triệu thôi. Chúng tôi cũng kiến nghị nhà nước xem xét hỗ trợ cho mức lãi suất với ngân hàng, vì 2 năm qua là chúng tôi cũng thiệt hại rồi thì làm sao giãn nợ cho chúng tôi thêm 2 năm sau", ông Tuấn kiến nghị.
Hoạt động ở địa bàn khó khăn, với những cung đường dài hiểm trở, thời gian qua các doanh nghiệp vận tải trong khu vực Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái... đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Thế nhưng, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước và cơ quan chức năng.
Ông Đinh Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thủy bộ Yên Bái chia sẻ: Gần 200 đầu phương tiện xe khách chạy tuyến nội tỉnh và liên tỉnh của đơn vị, vừa qua, nhiều tuyến đã nghỉ liên tục tới 5 tháng. Nay hoạt động trở lại nhưng lượng khách ít, giá nhiên liệu lại tăng, dẫn đến thua lỗ, thu nhập người lao động giảm mạnh, nên rất cần được hỗ trợ: "Trong thời gian vừa qua, do dịch bệnh nên ngành vận tải nghỉ hoạt động rất là dài, vì vậy chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng lùi thời hạn lắp Camera đến 30/6/2022, theo đề nghị mà các Doanh nghiệp và Hiệp hội vận tải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, nhằm giúp doanh nghiệp đỡ bớt khó khăn, dần phục hồi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh".
Hoạt động trong trạng thái bình thường mới, song thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải khách ở Tây Bắc phải nốt, giảm chuyến và thậm chí là ngừng hoạt động vì thua lỗ. Vẫn biết trách nhiệm phải đồng hành để khôi phục kinh tế - xã hội tại các địa phương sau những thiệt hại bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương để hoạt động ổn định và phát triển./.