Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đề nghị cần tiếp tục chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao. Trước hết là tiêm vaccine, khuyến cáo hạn chế lây nhiễm và bảo vệ trẻ em chưa tiêm vaccine. Ông Nên cũng đề nghị cần phải xem lại hướng dẫn, quy định cho phù hợp với tình hình mới bởi hiện nay 5K đã không còn phù hợp. Ví dụ, "khẩu trang", "khử khuẩn" tương đối quen thuộc, nhưng “khoảng cách” “không tập trung” không còn phù hợp. Do đó nếu không sửa lại thì rất khó thực hiện hay đúng hơn là nói được mà không làm được. Ngoài ra, thủ tục khai báo phải ngắn gọn, tiện lợi để người dân dễ làm và cần tuyên truyền để người dân thấy ý thức nghĩa vụ quyền lợi khi khai báo.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng số ca nhiễm trong trường học, nhất là cấp tiểu học cao nên phải phối hợp giữa y tế, nhà trường, phụ huynh để hạn chế lây nhiễm.
"Hiện nay điểm nóng nhất là ở trường học. Nên chăng tính toán thế nào cho hiệu quả, thấy các cháu nằm người ta chụp ảnh đưa mình, mình thấy rất xót xa. Phải lo sao đừng để khâu nào sơ hở"- ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường học. Hiện trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm nên phải tập trung, làm sao kiểm soát trẻ em có nguy cơ, người nhà có nguy cơ. Ông Phan Văn Mãi yêu cầu ngành giáo dục kiểm tra, cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học…Các trường học phải có tờ giấy nhỏ ghi thông tin cho học sinh gửi phụ huynh để thống nhất thực hiện.
"Phải cập nhật các bộ tiêu chí an toàn trong trường học. Phổ biến cho tất cả giáo viên phụ huynh, từng gia đình biết và thực hiện…Tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo vệ các em nhất là các em có nguy cơ, bảo vệ các thành viên trong gia đình, nhất là những người có nguy cơ. Sở Giáo dục – Đào tạo phải kiểm tra, chỉ đạo sát sao để đảm bảo từng phụ huỳnh, từng gia đình biết và thực hiện"- ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 1/3-7/3, TP.HCM ghi nhận gần 37.500 ca nghi nhiễm trong trường học, gần gấp đôi so với tuần liền kề trước đó. Cụ thể có 454 trường học có F0. Số ca nghi nhiễm cao nhất là ở cấp tiểu học với hơn 16.000 học sinh và hơn 1.200 giáo viên. Theo Sở Y tế TP, lý do F0 tăng trong trường học là do các trường chủ động tầm soát học sinh, giáo viên, người lao động có triệu chứng; xét nghiệm định kỳ F1, gia đình tự test nhanh cho học sinh... Ghi nhận tại 3 bệnh viện Nhi, hiện có 20 ca cần hỗ trợ hô hấp (12 ca ở tỉnh chuyển lên); 5 ca thở máy xâm lấn (4 ca tỉnh chuyển lên)./.