Dịch bệnh COVID-19 đã khiến TP.HCM đối diện với nhiều thách thức chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh khó khăn đó, Thành phố xác định nhiệm vụ chính phải được thực hiện trong thời gian tới là huy động hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh tốc tăng trưởng kinh tế; tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công để thực hiện các đề án ưu tiên, tạo động lực và sự lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế. Thành phố tiếp tục chỉnh trang đô thị gắn với lập quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm thâm dụng lao động, ứng dụng công nghệ cao, tập trung các ngành hướng đến đổi mới sáng tạo... Trong đó, thành phố đẩy mạnh liên kết vùng, chú ý hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng.
Để kinh tế thành phố đạt các mục tiêu này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thành phố cần có giải pháp đột phá về đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng cảng biển vì hiện nay, Cảng Cát Lái, nơi có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng nhiều nhất thành phố đã quá tải. Việc kết nối giao thông với khu vực chưa đồng bộ và rất chậm, nhất là kết nối hạ tầng với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Thành phố cũng nên xin thêm nguồn thu ngân sách được giữ lại để chủ động kết nối giao thông với khu vực này.
Bên cạnh đó, vấn đề nhiều nhà đầu tư đang quan tâm hiện nay là việc quy hoạch phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực cho logistic. Về phát triển Logistics, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), cho rằng, Thành phố cần đầu tư hệ thống kho dịch vụ hậu cần Logistics tại TP Thủ Đức (Logistics Hubs). Tập đoàn này cũng đang xin phép đầu tư xây dựng Trung tâm kho logistic tại đây. Chuỗi kho trung tâm ở TP Thủ Đức sẽ là một mắt xích trong chuỗi vận hành hệ thống vận chuyển, hỗ trợ các khu công nghiệp lân cận, là nơi trung chuyển, nối tiếp hàng hóa đến các tỉnh, thành trên cả nước cũng như tạo hệ thống dịch vụ khép kín đối với việc vận chuyển đường hàng không, đường biển, đường sắt và đường bộ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn Gemadept cũng cho rằng, hiện nay, hạn chế của thành phố là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố cần đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu rất lớn của ngành logistics: "Nếu quy hoạch 1 quỹ đất cho việc phát triển nguồn nhân lực thì tôi rất mong muốn thành phố dành quỹ đất cho trung tâm đổi mới sáng tạo. Chúng ta đầu tư quỹ đất trung tâm logistics hiện đại kết hợp với nhà cung cấp hoặc 1 học viện logistics toàn cầu, vấn đề này chúng ta có thể thực hiện được".
Nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến việc TP.HCM xây dựng Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, và tin tưởng thành phố có đủ tiềm năng và điều kiện thực hiện. Trung tâm sẽ quy tụ nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần phát triển thị trường tài chính TP.HCM lên tầm cỡ khu vực và quốc tế, là kênh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công cho thành phố và Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, nó tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế TP.HCM và cả nước, tạo hiệu ứng gia tăng độ hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác. Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, trung tâm này có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ 8-10%.
Ông Trần Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết Quỹ sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chi phí, kỹ thuật để thành phố nghiên cứu, học tập, xây dựng hoàn thiện mô hình Trung tâm tài chính quốc tế. Dragon Capital cũng muốn hỗ trợ thành phố phát triển công nghệ tài chính (Fintech): "Hiện nay, Fintech có vẻ là vấn đề thực tiễn đi trước còn hệ thống pháp lý thì sau. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, tài trợ chi phí nghiên cứu, chúng ta xây dựng cơ chế pháp lý tạm thời cho môi trường Fintech phát triển. Mô hình đó thành công thì chúng ta chuyển hóa thành 1 hệ thống pháp lý hoàn thiện, thì TP.HCM sẽ trở thành lá cờ đầu trong phát triển Fintech và công nghệ thông tin".
Phát biểu tại Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế- xã hội Thành phố đến năm 2030, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TP.HCM khẳng định: Đảng bộ và chính quyền Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong những lúc khó khăn bằng các chính sách hỗ trợ thiết thực: "Chính quyền đã cam kết, doanh nghiệp đã đồng ý đồng hành, vấn đề của chúng ta phải có tiêu chí quy định trách nhiệm mỗi bên sẽ làm gì, nhất là vai trò của người đứng đầu. Khi gặp khó khăn, vướng mắc thì cùng nhau ngồi lại giải quyết và phải có cơ chế giải quyết nhanh nhất. Việc gì thuộc thẩm quyền thành phố thì sẽ giải quyết".
Theo lãnh đạo thành phố hiện nay thể chế, hệ thống chính sách và các quy định đối với TP.HCM là “chiếc áo chật” cần được tháo gỡ để phát huy hơn nữa tiềm năng và nội lực. Đồng thời, thành phố cũng cần có những đột phá trong xây dựng hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng cường thu hút đầu tư./.