Đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ với kinh tế tuần hoàn và duy trì tính bền vững

Ngày 11/2, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị quốc tế của các nhà khoa học hàng đầu Ngành Trái đất -Mỏ-Môi trường Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia với chủ đề: “Đổi mới khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và Tính bền vững” (The International Conference Hanoi Geoengineering 2022 “Innovative Geosciences, Circular Economy and Sustainability). Chương trình do Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các trường đại học đối tác trong nước phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Kyoto (Nhật Bản), Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái Đất - Mỏ và các trường đại học, các viện nghiên cứu từ Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ tổ chức.

Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 tiếp nối chuỗi 7 Hội nghị trước đó kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003. Chương trình lần này đã quy tụ hơn 100 nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 11/2 và 12/2 với 51 báo cáo đến từ các nhà khoa học trong nước và trên thế giới.

Chủ đề chính của Hội nghị gồm Khoa học Trái đất, công nghệ địa kỹ thuật, địa chất sinh thái cho phát triển kinh tế sinh thái và kinh tế tuần hoàn: Các nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; khắc phục môi trường; giảm chất thải, nước thải và khí nhà kính; giảm thiểu thiên tai và chống chịu thiên tai; phục hồi môi trường và thiên tai; chống chịu với thiên tai và tăng trưởng xanh; phát triển bền vững cơ sở hạ tầng và các địa hệ; công nghệ thủy văn (quản lý nước thải và xử lý nước), giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và kinh tế tuần hoàn cũng như những giải pháp cho kinh tế tuần hoàn và nâng cao tính bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Hội nghị “Hanoi Geoengineering 2022” nhằm tạo môi trường học thuật để các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp trao đổi các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững nhằm cụ thể hóa định hướng lãnh đạo của Đảng thúc đẩy phát triển đất nước ta trong giai đoạn 2021 - 2030 đó là “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Những định hướng này, phù hợp với nhu cầu phát triển tất yếu khách quan có tính quy luật và có ý nghĩa rất quan trọng để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào thực tiễn.

Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận – nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách biến đổi khí hậu, chương trình giúp hội tụ được trí thức công nghệ của nhân loại thông qua sự tham gia tích cực của các nhà khoa học quốc tế, chính sách cho đến khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững và duy trì tính bền vững. Đấy là tích hợp đồng bộ giữa đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ với kinh tế tuần hoàn và duy trì tính bền vững.

“Con người cần chuyển từ khai thác bóc lột sang đầu tư, phục hồi tự nhiên”

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định vai trò của khoa học liên ngành Trái đất -Mỏ-Môi trường. Bộ trưởng cũng khẳng định Chủ đề của Hội nghị lần thứ 8 đối có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển KT-XH của đất nước đặc biệt là những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ này, đồng thời khắc phục những sai lầm trong khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và làm khí hậu biến đổi, Hội nghị của chúng ta đã lựa chọn ý tưởng chủ đề có tính thời sự cao, phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Việc quy tụ được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Khoa học Trái đất trong và ngoài nước cũng như liên kết các bộ môn khoa học cơ bản như địa chất, khí tượng, thuỷ văn, hải văn sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu phải nghiên cứu toàn diện các quy luật tự nhiên của Trái đất.

“Quan trọng hơn cả là thông qua chủ đề của Hội nghị năm nay, tôi cảm nhận được hơi thở của sự đổi mới từ tư duy đến đối tượng nghiên cứu và phương pháp luận nghiên cứu của các nhà khoa học Trái đất quốc tế và Việt Nam”, Bộ trưởng Hà chia sẻ.

Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã gợi mở một số nội dung chính về đổi mới, sáng tạo cho các ngành khoa học Trái đất. Theo Bộ trưởng Hà, bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu hiện nay, đặc biệt là để góp phần phục hồi sau đại dịch, giải quyết vấn đề sụp đổ hệ sinh thái, tình trạng khẩn cấp toàn cầu về khí hậu đặt ra yêu cầu khoa học Trái đất phải đảm nhiệm vai trò và sứ mệnh mới.

“Từ chỗ chỉ tập trung nghiên cứu, khám phá Trái đất để phục vụ khai thác, sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội mà không tuân theo quy luật tự nhiên, khoa học Trái đất cần phải nghiên cứu tường tận các quy luật tự nhiên để góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người với tự nhiên theo hướng thuận thiên, tuân theo quy luật của tự nhiên; chuyển đổi từ khai thác bóc lột tự nhiên sang đầu tư, phục hồi tự nhiên”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các ngành khoa học Trái đất cần tăng cường liên kết trong nghiên cứu, khám phá đầy đủ, toàn diện các giá trị, thông tin khoa học, dữ liệu lịch sử từ kho tàng địa chất, luận giải được lịch sử hình thành, phát triển của Trái đất, từ đó có được những hiểu biết sâu sắc về Trái đất cũng như bài học kinh nghiệm từ những biến cố trong lịch sử để dự báo tương lai nhằm thích ứng, giảm nhẹ những thảm hoạ.

Song song với đó, các nhà khoa học Trái đất cần thể hiện vai trò tiên phong trong việc tìm ra những giá trị mới, đưa ra được những giải pháp khả thi về chôn lấp, lưu trữ các-bon ở các mỏ đã khai thác; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như  địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu. Đồng thời, phát hiện tiềm năng giá trị địa chất, địa mạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thay thế cho khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo; đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn sau Hội nghị sẽ nhận được những khuyến nghị của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam để đóng góp cho Chính phủ Việt Nam vể triển khai các cam kết với quốc tế về môi trường và khí hậu, cũng như các giải pháp công nghệ cho khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên./.